Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

Cuộc chiến không được dự liệu




Có một cuộc chiến ngày ngày lặng lẽ cướp đi sinh mạng bao người vô tội, không kém gì những cuộc chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, nhưng lại mang những bản chất khác hẳn.
   Đó chính là cuộc chiến với TAI NẠN GIAO THÔNG. Khác hẳn, vì nó không hề xuất phát từ lòng hận thù; những người dân lành chết dưới bàn tay vô tình, vô trách nhiệm của chính bản thân hoặc của đồng bào mình.
   Cũng chưa từng có trên đất nước này một cuộc chiến như vậy, những cái chết trớ trêu bởi những sản phẩm của nền văn minh đang được du nhập vô tội vạ, không tương đồng với cái văn hóa hiện đại mà đáng ra người ta phải đồng thời có. Và điều cuối cùng trong những sự khác biệt đó chính là ở cái bản chất không được dự liệu của nó.
    Mười nghìn cái chết, hàng chục nghìn cơ thể thương tật hàng năm vẫn chưa đủ để thức tỉnh chúng ta. Phải chăng khi liên tiếp hai nhà khoa học đáng kính* cùng trở thành nạn nhân bi thảm thì người ta mới vội vã lần tìm phương sách vãn hồi cái cuộc chiến này ?
   Những tăng cường giáo dục, tích cực vận động, siết chặt kỷ cương, rồi làm cầu vượt cho người đi bộ, giảm xe buýt, cho đến những ý định ngớ ngẩn cho thời hạn sử dụng xe máy Trung Quốc là 3 năm, Nhật là 7 năm … vẫn chỉ là những khẩu hiệu và giải pháp tạm bợ, quẩn quanh, nặng yếu tố tâm lý mà nhẹ về tính hiệu quả, thậm chí còn khỏa lấp đi những tội trạng, sự yếu kém năng lực, trách nhiệm, thêm cơ hội “đục nước béo cò”.
   Cần phải lần được tới cái căn nguyên của cuộc chiến này. Đó là:
   1. Phát triển đô thị quá nhanh nhưng lại không được quy hoạch khoa học, bị lợi ích riêng, cục bộ phá nát (quy hoạch “treo”, chắp vá lộn xộn, thiếu hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, trường học, chợ, công viên …) – Làm tăng thêm chứ không hề giảm lưu lượng giao thông qua lại giữa các khu dân cư. – Nảy sinh một lớp người vốn quen sống nhiều thế hệ trong môi trường nông thôn, nay chuyển ra thành thị, đem theo nếp sinh hoạt cũ làm “nông thôn hóa thành thị”.
    2. Hệ thống giao thông thủy, bộ, sắt, hàng không được đầu tư, xây dựng vừa chậm, vừa không có kế hoạch, quy hoạch lâu dài, hợp lý (đường cao tốc đi qua khu đông dân, nơi cần thì chưa có, nơi chưa cần lại đầu tư lớn …, đường sắt quá kém, mà cảng biển lại quá nhiều), đặc biệt bị tác động xấu từ những mục đích tư lợi phá hỏng (những vụ như PMU18, cầu Văn thánh 2 là điển hình).
   3. Phương tiện giao thông phát triển ồ ạt mà không có giải pháp khống chế khôn ngoan-cương quyết (như hạn chế xe máy, tăng xe buýt …) Từ đó, mối xung đột do mất cân bằng giữa số lượng phương tiện với cơ sở hạ tầng, ý thức pháp luật, bộ máy kiểm soát trở nên nghiêm trọng không kìm chế nổi. Đơn cử: tại một ngã tư, trong khoảng 15 phút một cảnh sát giao thông bận xử lý một vi phạm thì cùng lúc có tới hàng ngàn xe qua lại có thể “vô tư” vi phạm mà không bị xử lý. Tại hàng ngàn trục lộ, ngã tư hiện không có cảnh sát hoặc phương tiện hiện đại giám sát giao thông. Việc thi sát hạch bằng lái đầy dẫy tiêu cực một phần do quá chênh lệch cung cầu.
    4. Ý thức tôn trọng pháp luật kém ngay từ những cấp lãnh đạo cao, những cơ quan thi hành, kiểm soát thi hành pháp luật (không chỉ riêng luật Giao thông mà cả luật Hình sự, thậm chí Hiến pháp) nên việc giáo dục ý thức cho người dân càng khó khăn hơn. Điển hình là những vụ vi phạm nghiêm trọng luật Giao thông không được xử lý nghiêm minh như vụ Láng-Hòa lạc, vụ đổ tàu ở Thừa thiên-Huế, những vụ “dọa mang bom” trên máy bay.
Đặc biệt, có rất nhiều vi phạm pháp luật của chính nhân viên thi hành pháp luật lại là tác nhân gây ra những vi phạm pháp luật của người dân. Đó là hiện tượng “mãi lộ” của CSGT, buộc những người lái xe vì lẽ sinh tồn mà phải chạy nhanh tăng chuyến, chở quá trọng tải, giành giật khách … dễ gây tai nạn.
    5. Nền giáo dục, một hệ thống yếu kém hàng chục năm không được cải thiện đã sản sinh ra những lớp người thiếu ý thức, bản lĩnh, tác phong của một công dân sống dưới một xã hội văn minh công nghiệp. Những đứa trẻ ù lì chậm chạp dễ bị xe kẹt, không biết bơi nên chết đuối, hay ngược lại, bức xúc phản ứng bằng đua xe, đi đứng ngang tàng bất chấp luật lệ … đều có căn nguyên từ hệ thống giáo dục quá bất hợp lý, nhiều tiêu cực hiện nay. Và hơn nữa, từ đây sẽ lại tiếp tục sản sinh ra lớp lớp những công dân mang nhân cách méo mó, những “tướng tá” tồi cho cuộc chiến với vấn nạn giao thông này.
     6. Văn hóa-đạo lý nền tảng quyết định thái độ của con người trước sinh mạng đồng loại. Nhưng chúng ta, bước từ mấy cuộc chiến tàn khốc, lại vẫn chưa khỏi say sưa chiến thắng, thêm không khí cảnh giác thường trực với “kẻ thù” vô hình đâu đó …, nên thái độ “coi cái chết nhẹ như lông hồng” đã ăn vào máu thịt, mà quên rằng còn có bao điều nhân ái cần phải học hỏi từ truyền thống cha ông, từ cả những quốc gia xưa từng là kẻ thù, bao nhiêu sinh hoạt văn hóa giúp bồi bổ tình yêu thương, trân trọng cuộc sống bình an đã bị lãng quên hoặc cố gắng nhồi nhét thô thiển. Vậy đâu dễ để có được cái phản xạ gìn giữ an toàn cho cuộc sống của bản thân và đồng bào mình.
     7. Con người-bộ máy có trách nhiệm trực tiếp về lĩnh vực này là tối quan trọng, nhưng đã không được chuẩn bị tốt (từ ngành giao thông cho đến bộ máy chính quyền đô thị). Vụ PMU18 cùng sự “hạ cánh an toàn” của ông bộ trưởng GTVT lại cũng là điển hình của lối dùng người … xấu, đương nhiên không dễ có được chính sách, biện pháp đúng đắn. Như câu nói muôn thuở: “Thượng bất chính hạ tắc loạn”.
    8. Công luận là những công cụ vô cùng quan trọng để nói lên tiếng nói của người dân, điều chỉnh những lệch lạc, phi lý nêu trên, đặc biệt là dự báo, cảnh báo cho giới lãnh đạo những hệ quả xấu từ những chính sách sai lầm; nhưng nó đã không được phát huy hiệu quả một cách liên tục, mạnh mẽ.
    Luôn luôn có những “cấm địa”, những vùng “nhạy cảm” không được động tới, mà trớ trêu, đó lại thường là những sai lầm lớn, là những nơi ẩn náu của tiêu cực.
    Khác với mọi cuộc chiến, cuộc chiến này đã không được dự liệu về tầm mức khốc liệt của nó. Nhưng như mọi cuộc chiến, nếu chỉ hô hào đồng bào, chiến sĩ hãy dũng cảm xông lên, trong khi đầy dẫy những viên tướng tá tồi, hèn đớn, xôi thịt nhởn nhơ mà không bị nghiêm trị, vạch ra những chiến thuật sai lầm, không xây dựng hậu phương vững mạnh, luyện quân tinh nhuệ … thì sẽ chỉ có trăm trận trăm … bại mà thôi.
    Những cuộc họp “phát động chiến dịch”, vài giải pháp hời hợt, ấu trĩ để trấn an dư luận quả rất dễ, để rồi mọi sự lại rơi vào dĩ vãng. Còn để sửa lại những sai lầm nghiêm trọng có tính căn nguyên nêu trên là phải động đến cả những thiết chế bền vững cố hữu, là đòi hỏi những sám hối, trả giá, chịu trách nhiệm ghê gớm của nhiều người trong cuộc.
   Nhưng nếu không làm, cuộc chiến này chắc chắn sẽ còn khủng khiếp hơn nữa.


Nguyễn Hữu Vinh
nguồn: Ba Sàm

* Giáo sư Nguyễn Văn Đạo và giáo sư Seymour Papert (người đang nung nấu một dự án cải thiện tình trạng giao thông ở Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét