5.9.12
Tôi có một người quen thỉnh thoảng gởi một email với vài chữ
thăm hỏi kèm chữ ký, và dưới cái tên luôn kèm theo một câu cách ngôn, phương
châm, hay lời hay ý đẹp gì đó. Mấy cái phần mềm email thường cho người sử dụng những lựa chọn thêm thắt kèm cặp
này nọ ở phần ký tên. Có người để hình ảnh
hay ám hiệu riêng, có người ghi đầy đủ tên họ, chức vị, số điện thoại, địa chỉ
công ty hay website, blog, twitter,
Facebook, v.v.
Người quen của tôi thỉnh thoảng thay đổi trích ngôn dưới chữ
ký. Trước đây là câu: “Duy trì được loài người giữa bao biến động
và bạo ngược là một phép mầu kỳ diệu
không kém phép mầu tạo ra con người” (Jeremy
Taylor). Sáng nay là câu: “Mỗi sáng tôi
thức dậy đều bị giằng xé giữa ước muốn phát triển thế giới và ước muốn hưởng thụ
thế giới. Điều này khiến cho việc lập kế hoạch sống trong ngày hết sức khó
khăn.” (Elwyn Brooks White)
Hồi xưa, khoảng 40 năm trước, tôi còn đủ ngây thơ để thành tâm ngẫm nghĩ những điều
thiên hạ, đặc biệt các vĩ nhân tên tuổi, đã viết, nói, hay khắc lên đá, lên đồng.
Với những câu thuộc loại “túi khôn nhân loại” hay “nghệ thuật sống” như “Cười nhiều như thở, yêu cho đến chết” hay
“Mộng mơ như thể ta sẽ sống đời đời, sống
như thể ta sẽ chết hôm nay,” tôi thậm chí cố gắng thực hành. Thường thì tôi
cũng đạt được một nửa vế đầu. Phần còn lại không tới đâu có lẽ là do tôi chưa
thực sự hiểu hết thâm ý tác giả.
Cũng có lẽ vì tuổi trẻ chưa thể có những trải nghiệm được đúc kết
trong những phát ngôn vắn tắt của những
người đã già đời. Chẳng hạn: “Chúng ta
chào đời đều trần trụi, ướt mem và đói. Rồi ngày càng bi đát hơn.”Tất nhiên một người
mười mấy tuổi với trí tuệ trung bình là đủ hiểu chân lý trong vế đầu của câu
đó. Còn cái sự ngày càng bi đát hơn thì hơi khó thuyết phục. Ít ra là tôi hồi
trẻ đã không tin đời mình sẽ trần trụi, ướt mem và đói hơn thưở chào đời. Ta sẽ
phấn đấu, ta sẽ vươn lên, ta sẽ có một cuộc đời nhiều ý nghĩa, dù không nhiều vật
chất thì cũng không đến nỗi “trần trụi, ướt mem và đói.” Tôi đã ghi chú câu phản
biện của mình bên cạnh dấu hỏi thêm sau chữ “hơn”.
Đó là một cuốn sổ nhỏ hơn khổ tập viết của học trò, dày cỡ
hai trăm trang, tôi vẫn còn giữ. Nó còn đây vì trong mấy chục năm trời nó nằm
im dưới đáy hộc tủ cùng với những sổ nhật ký và “lưu bút ngày xanh”. Trong thời
buổi mọi thứ đều “số hóa” và ở trên mây (cloud), một cuốn sổ với những trang giấy
ố vàng, giòn rụm, trở thành một thứ đồ cổ ngộ nghĩnh. Tôi giải thích cho đứa
cháu đây là bộ sưu tầm danh ngôn của tôi hồi bằng tuổi nó, nó hỏi: “Bà mất công
chép tay từng câu một à?” Tất nhiên. Nó bảo bây giờ ai cũng có thể copy và paste nhanh chóng, chính xác. Thỉnh thoảng nó cũng chép một câu hợp
tình hợp cảnh đâu đó trên internet để dán vô trang mạng xã hội, thay vì viết dấm
vớ gì đó để nhắc nhở cộng đồng sự tồn tại của mình.
Tôi có đọc vài câu cháu tôi trương lên đầu trang blog của
nó. “Cuộc đời đầy cái đẹp. Hãy chú ý cái đẹp. Hãy
chú ý con ong bầu, đứa bé thơ, và những gương mặt tươi cười. Hãy ngửi mùi mưa,
hãy cảm nhận gió. Hãy sống đời mình đến tận cùng tiềm lực, và đấu tranh cho những
giấc mơ của mình.” (Ashley Smith) Và
“Chỉ sống thôi không đủ… người ta cần có
nắng, tự do, và một chút hoa.” (Hans Christian Anderson) Và
“Không ai có thể trở lui để bắt đầu một
khởi đầu mới, nhưng ai cũng có thể khởi đầu từ hôm nay để tới một kết thúc mới.”
(Maria Robinson) Đại khái là những câu rất lạc quan, cơ bản hấp dẫn vì lời
lẽ văn hoa, ý tưởng cao đẹp; chứ không phũ phàng thô lỗ như kiểu “Mày lọt lòng mẹ, bò qua đất nước trong khói
lửa, rồi rớt xuống huyệt.”(Quentin Crisp)
Câu trích trên của Quentin Crisp có trong cuốn sưu tầm của
tôi có lẽ vì tôi lớn lên trong chiến tranh, từ nhỏ đã chứng kiến những cuộc đời
quả thực phi lý như vậy; sanh ra rồi chết. Chép lại có nghĩa là mình đồng cảm,
tán thưởng, ngưỡng mộ, tin tưởng, chú ý, hay cảm thấy hay hay, thích thích.
Chép lại không có nghĩa là hiểu. Bởi vì bây giờ tóc bạc, đọc lại nhiều câu ghi
bằng nét chữ học trò, tôi đã phải ngẫm nghĩ hơi lâu, có câu thấm thía nhờ thời
gian, có câu vẫn mơ hồ, bí hiểm. Trong câu này “Cho dù mình ý tứ thế nào, vẫn có cảm giác như mình đã bỏ sót điều gì
đó, cảm thấy tiếc nuối rằng mình chưa được nếm trải điều đó. Cảm giác hụt hẩng
khi mình lướt ào qua cái khoảnh khắc lẽ ra mình nên để tâm tận hưởng. Hãy tập cho quen cảm giác đó đi. Một ngày nào
đó mình sẽ có cảm giác như vậy về cả cuộc đời mình. Những khoảng khắc hiện giờ
chỉ là tập dợt. Không đáng kể. Mình chỉ mới khởi động.” (Chuck Palahniuk)
đoạn giữa được gạch dưới, tô đậm, thậm chí mấy chữ “khoảnh khắc” được đồ đi đồ
lại. Chắc là hồi đó tôi đã trải qua những khoảng khắc mà sau đó lòng còn nuối
tiếc. Nhưng chắc chắn tôi đã không thể có được cái khoảnh khắc ngộ ra như bây
giờ đọc tới “cảm giác như vậy về cả cuộc
đời mình.”
Gần cuối quyển sổ có một câu ngắn gọn lọt thỏm giữa những
câu dài lòng thòng. Lúc chép lại tôi có hiểu gì không? Tôi có nghĩ là mình chép
lại để đọc lại vào một ngày nào đó khi hầu như việc đời đã là chuyện hôm qua? “Một khoảnh khắc làm bừng lên cuộc sống của
ta. Một khoảnh khắc làm tiêu tan cuộc đời ta. Cả đời người chỉ có chừng bốn năm
khoảnh khắc như vậy để thay đổi mọi thứ.” (Beverly Donofrio)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét