Thứ Hai, 1 tháng 2, 2010

Tiếng ru con ở chùa Bồ Đề


SGTT - Chùa Bồ Đề nằm ở bên kia sông Hồng, cách phố cổ một cây cầu và vài ngõ phố. Chùa cổ, sau này tách ra hai phần: phần đạo và phần đời.
Trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc bởi những người mẹ tự nguyện ở chùa Bồ Đề
Tôi hỏi sư thầy, một đứa trẻ đáp: “Sư thầy Đàm Lan đang ở Pháp, có sư bác Đàm Chín ở nhà thôi, sư bác đang viết sớ, vì sáng hôm qua con mở cổng chùa có một bé gái đỏ hỏn gói chăn và lá chuối ai đó vứt bỏ ngay cửa. Nhà chùa lại đi xin sữa nuôi. Bà để con đưa bà đi nhá”. “Con tên gì?” – “Con tên Nam, vẫn thầy Đàm Lan khai sinh tên cho con. Con học lớp một, mười ba tuổi”.
Phần đạo, nơi chùa chính thờ Phật pháp, vương triều nhà Trần, tam toà thánh Mẫu. Về phần đời, chùa có một ngôi nhà hai tầng dành cho hơn trăm đứa trẻ bị bỏ rơi. Thêm mười lăm cụ già không chốn nương thân, họ ở cả giường sắt hai tầng. Ngày rét các cụ nằm đắp chăn như những đống lá khô tú hụ. Phía ven sông là nhà bếp. Tôi trò chuyện với những người mẹ trẻ tình nguyện trong căn phòng nhỏ. Cứ 10 mét vuông kê ba giường, chỉ còn lại một lối đi nhỏ, còn là võng và cứ một mẹ trẻ chăm ba đứa con thơ. Chị Lê Thị Giang, ba mươi tuổi ở Nghệ An, đến chùa được nửa năm rồi, mình chị chăm nuôi ba đứa. Một đứa tuổi rưỡi, không ngồi được, dị tật. Một đứa bé gái mới hơn một tháng, mắt đen láy xinh xắn. Giang nói tháng trước bị bỏ lại cửa chùa, con bé trông đỏ hỏn, có hai ngày tuổi, nom sợ lắm. Thầy Đàm Lan chưa đặt tên, còn thằng cu kia tên là Nâu, vì da nó đen. Rồi thầy sẽ đặt tên đi học cho Nâu. Còn con bé Ngọc Anh kia, nhanh nhẹn, thầy nhắm cho đi học đại học Phật giáo. Nhà chùa có hai đứa đang theo học đại học. Học xong, có đứa trở về chùa phục vụ, có đứa chuyển ngành, có đứa ra nước ngoài làm con nuôi.
Bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu đứa trẻ lớn lên ở chùa Bồ Đề, thầy Đàm Lan gửi cho chúng đi học nghề, có đứa nhà chùa đứng ra dựng vợ gả chồng. Ngày tết chúng về với thầy Lan như về nhà với mẹ. Con cái chúng gọi thầy Đàm Lan là “ngoại”.
Chị Thu Cúc muốn về ăn tết ở Lạng Sơn, thăm lại gia đình lớn. Chị sống đơn thân, bị bệnh tim, chữa mãi ở bệnh viện Bạch Mai, đọc báo biết chuyện chùa Bồ Đề nên xin ở lại đây chăm nuôi trẻ. Ba đứa trẻ kêu mẹ Cúc cho đi chơi. Bánh kẹo, phẩm oản hoa quả nhà chùa trẻ con không thiếu. Hơn hai mươi đứa trẻ từ ba ngày tuổi đến bảy tuổi, đều được những người mẹ trẻ tình nguyện đến chùa nuôi dưỡng.
Nhìn Giang loay hoay với cu Nâu, với bé gái một tháng tuổi, chân đưa võng, miệng à ơi, tay thay tã cho con, tay đưa cho đứa trẻ tàn tật quả bóng, mới thấy bản năng yêu thương ở con người. Quê Giang ở Anh Sơn – Nghệ An, đói khổ lắm, được bạn mách cho, Giang tìm đến chùa Bồ Đề xin việc. Giang bảo cũng có những sinh viên không có tiền ở trọ, họ vào chùa xin trông trẻ, để vừa học vừa có cơm ăn. Khi tốt nghiệp, họ lại bay đi hết. Có ngày có tháng, một chị phải trông nom năm đến bảy đứa trẻ. “Mỗi người mẹ chăm tới ba đứa trẻ, cực thế, liệu sau này đứa trẻ lớn lên chúng có thấu nỗi cơ cực của các chị không?”. Giang đáp: “Chúng không biết thì có Phật biết là đủ rồi”.
Chị Phạm Thị Xoan quê ở Bắc Giang thì nhìn mưa cười buồn: “Cháu từng có gia đình, con trai cháu mất rồi, chồng bỏ đi nước ngoài, bỏ cháu luôn. Cháu tìm đến cửa chùa trông trẻ mồ côi. Số cháu vất vả đành chịu. Ở chùa bận lắm việc không tên, khi các con ngủ, người mẹ giặt giũ, phơi phóng, quét chùa. Có khi con ốm bỏ tiền túi ra lo cho trẻ, đứa nào nặng mới xin thầy đi bệnh viện”. Thầy Đàm Lan cũng giúp các bà mẹ trẻ số tiền đủ tiêu pha. Thầy đưa bao nhiêu các mẹ nuôi cũng nhận, không đòi hỏi, làm mẹ tự nguyện, và cả từ thiện nữa.
Hơn hai mươi đứa trẻ ăn bột và ăn dặm. Còn tám mươi đứa trứng gà trứng vịt, đứa đi học chữ, đứa học võ đạo, đứa học nghề may, thêu ren, học vi tính. Đâu vào đấy cả, y như trăng đến rằm trăng tròn. Là nói vậy chứ thầy Đàm Lan giỏi lắm, thức khuya dậy sớm lo liệu với các sư bác ở chùa. Một bà vãi ở ngay bên đền Chầu Bà bảo: “Cả nhà sư thầy Đàm Lan đều xuống tóc tu hành cả. Anh chị em còn tu ở chùa bên Pháp, bên Ấn, rồi Việt Nam. Thầy cũng tần tảo lắm mới nuôi ngần ấy con người”. Các cụ bà ngoài bảy mươi, bệnh hen suyễn, bệnh viêm khớp, bệnh đau xương, vào chùa quét lá, làm cơm chay, rồi đèn nhang hương khói, lao động lại khoẻ ra. Có cụ ở hẳn trong chùa, con gọi cũng không về. Còn một gian nhà dành cho các cụ không chốn nương thân. Cụ khoẻ ngủ trên tầng hai, cụ chân yếu thì ngủ tầng trệt. Ăn cơm nhà chùa, có cụ tìm được trung tâm an dưỡng nhận nuôi, khi khăn gói lên đường khóc nhè như trẻ con.
Chùa Bồ Đề đón nhận bao nhiêu cảnh ngộ éo le. Việc nào khó, thầy Đàm Lan thỉnh chuông kêu Phật, là việc lại đâu vào đấy. Nhẹ thênh. Nhà chùa cũng có doanh nghiệp, những nhà hảo tâm, những bà buôn bán ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua hỗ trợ. Nhiều bà mẹ mua quần áo, chăn màn, đồ dùng nhà bếp dâng chùa để nuôi trẻ. Gọi là trẻ mồ côi, chứ có ai biết mặt bố mẹ chúng đâu. Chùa Bồ Đề đang quá tải, vì trẻ sơ sinh khá đông, mà người trông nom lại thiếu. Tết này nhiều mẹ nuôi trẻ thơ không về quê ăn tết mà ở lại chùa chăm con thơ, dù không máu mủ. Nhưng có chị nhớ con ruột cũng khóc ghê lắm. Sư bác Đàm Chín bảo, giáp tết năm nào nhà chùa chẳng đón tiếp những người già bơ vơ. Nhà chùa vẫn nuôi họ qua tết. Còn chuyện nhà chùa quá tải, biết nói sao nhỉ, khi sáng ra mở cửa chùa lại thấy có trẻ sơ sinh...
Còn bao nhiêu tấm lòng hảo tâm khác, họ đóng góp tiền của mà không cho biết tên, cốt sao góp sức nuôi những đứa trẻ nên người. Có người dâng tiền mà không xin sớ, bảo cứ ghi người vô danh. Nghĩa trang liệt sĩ có nhiều chiến sĩ vô danh, nhà chùa cũng nhiều người làm từ thiện vô danh, có sao.
Mưa xuân vẫn hắt lên chùa Bồ Đề nhoà nhạt bên bờ sông Hồng vàng rực hoa cải muộn. Và tiếng ru con vụng về của những người mẹ chưa một lần làm mẹ.
bài Hoàng Việt Hằng
ảnh Trần Việt Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét