Thứ Hai, 1 tháng 2, 2010

Giải pháp nào chống nhập siêu từ Trung Quốc?


SGTT - Một tham tán thương mại dự hội nghị Tham tán thương mại Việt Nam tổ chức năm 2009 cho rằng, chỉ cần giải quyết được vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc là có thể hạn chế nhập siêu ở mức chấp nhận được.
Gần 90% nhập siêu là từ Trung Quốc
Suốt từ đầu năm 2009 đến nay, bộ Công thương vẫn loay hoay với các giải pháp, chủ yếu nhằm vào hoạt động nhập khẩu hàng tiêu dùng như: cấp phép nhập khẩu tự động, nhờ ngân hàng Nhà nước can thiệp để hạn chế cho vay ngoại tệ nhập khẩu ôtô, điện thoại và một số mặt hàng tiêu dùng khác... Nhưng tỷ lệ nhập siêu vẫn cao (21,6% năm 2009) cho thấy, hiệu quả của các giải pháp này là hạn chế.
Đặc biệt, một trong những điều đập vào mắt khi nhìn vào thị trường và cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam chính là: Việt Nam hiện nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc. Một tham tán thương mại dự hội nghị Tham tán thương mại Việt Nam tổ chức năm 2009 cho rằng, chỉ cần giải quyết được vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc là có thể cơ bản hạn chế nhập siêu ở mức chấp nhận được.
Từ năm 2001, nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng nhanh nhưng đồng thời cũng bộc lộ sự mất cân bằng ngày càng tăng trong quan hệ thương mại Việt – Trung. Nếu như năm 2006, kim ngạch thương mại hai nước mới chỉ trên 10,4 tỉ USD thì hết năm 2009, theo nhiều nguồn thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Trung đã đạt trên 21,3 tỉ USD (chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nhưng chiếm chưa tới 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc).
Cùng với sự gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều, con số nhập siêu từ Trung Quốc cũng ngày càng tăng. Theo các con số thống kê từ cơ quan chức năng, nhập siêu từ Trung Quốc năm 2007 là trên 9,1 tỉ USD, tăng 109,7% so với năm 2006. Năm 2008, con số này đã lên đến 12,6 tỉ USD, tăng 21,7%. Năm 2009, nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 11,5 tỉ USD, giảm 8,4% so với năm 2008 nhưng là do nhập khẩu nói chung đều giảm trong bối cảnh suy giảm kinh tế. Dù sao đó vẫn là con số rất lớn so với tổng kim ngạch nhập siêu cả nước năm 2009 là 12 tỉ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc trong tổng nhập siêu như vậy đã lên tới gần 90%. Trong khi năm 2008, tỷ lệ này là 61,6% và năm 2007, tỷ lệ này là 65,3%. Đây là một con số rất đáng báo động trong quan hệ thương mại Việt – Trung. Bởi, năm 2001 là năm Việt Nam lần đầu tiên nhập siêu từ Trung Quốc với tỷ lệ khi đó mới chỉ là 17,7% trong tổng nhập siêu, nhưng nhập siêu từ Trung Quốc đã kéo dài suốt chín năm qua với tỷ lệ ngày càng tăng.
Nguyên nhân nào dẫn đến nhập siêu bất bình thường như vậy từ Trung Quốc? Trước hết về xuất khẩu, có thể nói, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc tung hoành xuất khẩu sang Việt Nam thì xuất khẩu của Việt Nam qua Trung Quốc là rất khó khăn. Nếu không kể những mặt hàng nguyên liệu như cao su, than, dầu thô… thì hàng xuất của Việt Nam sang Trung Quốc thường là các mặt hàng mà Trung Quốc cũng dư thừa năng lực sản xuất nên khó cạnh tranh nổi. Còn những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như than, dầu thô… thì lại có xu hướng giảm do hạn chế về khả năng khai thác và chủ trương dần hạn chế xuất khẩu tài nguyên. Xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc năm 2009 đã giảm trên 23%.
“Nhập siêu triền miên nhưng lại phân bổ không đều cho các thị trường. Nhập siêu chỉ dồn vào mấy thị trường ở châu Á, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc, chiếm chủ yếu trong tổng số nhập siêu của cả nước. Hậu quả là không nhập khẩu được công nghệ nguồn, kỹ nghệ mới mà chỉ là công nghệ sao chép, lạc hậu. Dù được lý giải là gần, hợp trình độ của ta, song ai quên được bài học từ những nhà máy ximăng lò đứng”
(ý kiến một chuyên gia của
cục Xúc tiến thương mại, bộ Công thương)
Về nhập khẩu, một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc cho cả sản xuất và tiêu dùng là những mặt hàng Việt Nam chưa sản xuất được hoặc có nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu như sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, phân bón, linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy… Hàng Trung Quốc lại rẻ và gần Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu từ đây.
Cần một loạt giải pháp đồng bộ
Trong việc kiềm chế nhập siêu nói chung và nhập siêu từ Trung Quốc nói riêng, một vấn đề lớn dường như chưa được bộ Công thương nhìn nhận đầy đủ chính là việc nhập khẩu máy móc, thiết bị. Theo một số chuyên gia của hiệp hội Cơ khí, các mặt hàng cơ khí, máy móc…chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng lượng hàng hoá nhập khẩu. Như năm 2008, giá trị nhập khẩu các mặt hàng cơ khí (không kể nguyên liệu sắt, thép) đã lên tới gần 19 tỉ USD. Mười tháng đầu năm 2009 đã nhập 13,5 tỉ USD các mặt hàng này…, trong số đó phần lớn là máy móc, thiết bị, hàng cơ khí từ Trung Quốc. Một chuyên gia của cục Xúc tiến thương mại, bộ Công thương phân tích: “Nhập siêu triền miên nhưng lại phân bổ không đều cho các thị trường. Nhập siêu chỉ dồn vào mấy thị trường ở châu Á, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc, chiếm chủ yếu trong tổng số nhập siêu của cả nước. Hậu quả là không nhập khẩu được công nghệ nguồn, kỹ nghệ mới mà chỉ là công nghệ sao chép, lạc hậu. Dù được lý giải là gần, hợp trình độ của ta, song ai quên được bài học từ những nhà máy xi măng lò đứng”.
Một trong các nguyên nhân là trong mấy năm qua, các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu ở hàng loạt dự án lớn như dự án khai thác, luyện đồng Sin Quyền (Lào Cai), nhà máy nhiệt điện Hải Phòng… và có thể khẳng định, hiện tại Trung Quốc là nước có số lượng nhà thầu và số dự án trúng thầu nhiều nhất tại Việt Nam. Theo ông Phạm Hùng, tổng giám đốc tổng công ty Lắp máy Việt Nam thì các nhà nhà thầu Trung Quốc mang theo hầu như tất cả những gì họ có (từ Trung Quốc) để phục vụ công trình, từ máy móc, công nghệ đến nguyên, vật liệu (chưa kể công nhân)… vì vậy, trong giá trị nhập siêu lớn từ Trung Quốc có phần đáng kể từ việc nhập khẩu cho các công trình, dự án mà phía Trung Quốc trúng thầu. Mặt khác việc thiếu các chính sách đầu tư thích đáng để sản xuất hàng cơ khí, máy móc, thiết bị thay thế hàng nhập khẩu là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhập siêu cao (chứ không phải do hàng tiêu dùng, chỉ chiếm tỷ lệ 9%).
Cho nên, có thể nói, giải bài toán nhập siêu hiện nay không thể không xem xét đến các giải pháp chống nhập siêu từ Trung Quốc. Tất nhiên, với những lợi thế hiện nay của nền kinh tế khổng lồ này, việc đưa kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa hai bên về trạng thái cân bằng là vô cùng khó khăn nhưng không phải không có giải pháp. Cần, không phải chỉ một mà một loạt giải pháp đồng bộ: đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc; chuyển hướng thị trường nhập khẩu (đặc biệt là máy móc, công nghệ) sang các thị trường khác, nhất là các thị trường có công nghệ cao như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ; hạn chế nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được và có chính sách tích cực đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hoá, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập từ Trung Quốc, chống nhập lậu, buôn lậu tại các vùng biên, cửa khẩu giáp với Trung Quốc…
Mạnh Quân
SGTT Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét