Vào cái ngày chủ nhật của lần biểu tình thứ 6 tại Hà Nội, chúng tôi đã có một chuyến đi thú vị. Mệt rả rời nhưng vui vẻ và hạnh phúc. Đó là chuyến đi đến Dầu Giây để mổ mắt cho những người dân nghèo tại địa phương nầy.
Chuyến đi được bắt đầu tại điễm hẹn số 1, Cao Lỗ-Đồng Diều-Quận 8. Nhà riêng của bác sỹ Việt, khoa mắt bệnh viện An Bình. 4 h sáng đoàn gồm 3 xe: xe 16 chổ chở các nhà tài trợ và dụng cụ và 2 ô tô của bác sỹ Việt và bác sỹ Hạnh tự lái bắt đầu khởi hành để đến địa điễm 2 là bệnh viện Đa khoa Thủ Đức để nhận thêm trang thiết bị và con người.
Nhóm ở đây do bác sỹ Lĩnh chỉ huy gồm 3 bác sỹ và 6 y tá phụ mổ, bác sỹ Lĩnh là trưởng khoa mắt của bệnh viện Thủ Đức và người bạn là bác sỹ Cường công tác tại bệnh viện mắt Cao Thắng ở quận 3. Quên giới thiệu 1 người, đó là bác sỹ Hạnh, người tự lái 1 chiếc Misubitsi 7 chổ theo đoàn, chị là bạn của bác sỹ Việt và đang làm việc tại bệnh viện Việt Pháp.
Bác sỹ Hạnh ngồi sau tay lái chiếc xe Misubitsi màu đen
Sau khi cả 3 chiếc xe đều chật ních người và thiết bị, quan trọng nhất là 3 chiếc máy mổ phaco trong đó có một chiếc bệnh viện Thủ Đức mới mua gần 2 tỹ đồng, chúng tôi lên đường đến địa điểm 3, nơi sẽ mổ mắt cho gần 70 người nông dân nghèo địa phương.
Đúng 8h sáng chúng tôi đã có mặt tại bệnh viện Đa khoa Dầu Giây, địa điểm phối hợp để mổ cho bà con. Vừa đến nơi ngay lập tức đội hình được triễn khai, nhóm thì lo vận chuyển các trang thiết bị lên lầu một, nơi đặt phòng mổ.
Bác sỹ Việt, trưởng khoa mắt bệnh viện An Bình
Nhóm thì lo các vấn đề hành chánh như nhận và rà soát danh sách mổ. Nhóm còn lại khám và tầm soát lần cuối để xác định mắt được mổ cũng như các điều kiện chuyên môn khác.
Các bác sỹ trao đổi trước khi mổ
Bác sỹ Cường đang chuẩn bị ráp máy và thiết bị, anh làm việc tại bệnh viện mắt Cao Thắng, Q3.
Bác sỹ Hạnh, người mặc quần jean áo thun đen. Chị làm việc tại bệnh viện Pháp-Việt.
Phòng chờ, nhỏ thuốc cứ mỗi nửa tiếng
Khám lần cuối, đánh dấu chuẩn bị mổ.
Vào phòng 1 nhỏ thuốc, vô trùng chờ mổ
Phòng 2, phòng mổ chính
Kiểm tra xem có đúng đối tượng hay không
Ngồi kế tui là anh Minh, trưởng đoàn, nhà tài trợ chính của chuyến đi.
10 h sáng công tác chuẩn bị đã xong và ê kíp mổ đã bắt đầu làm việc với các ca đầu tiên. Theo kế hoạch thì kíp mổ ngoài 4 bác sỹ ở thành phố lên còn có bác sỹ Dũng là trưởng khoa mắt bệnh viện Dầu Giây, anh còn là phó giám đốc bệnh viện.
Bác sỹ Dũng, phó giám đốc bệnh viện Dầu Giây
Nhưng tới giờ chót thì anh nhận được hung tin, ba anh bệnh trở nặng phải đưa đi cấp cứu nên đành phải chia tay đoàn trở về cùng gia đình lo cho cha.
Ca đầu tiên
Chúng tôi đã cùng nhau làm việc không nghỉ từ khi đến nơi cho tới 15 h thì hoàn thành ca mổ cuối cùng.
Ca cuối cùng là một ca khó, lại khó hơn khi bệnh nhân cứ cựa quậy khiến ca mổ phải kéo dài dến gần 1 giờ, trong khi bình thường chỉ 15 phút 1 ca
Đôi điều đọng lại sau chuyến đi
Điều gây ra ấn tượng sâu đậm nhất cho tôi trong chuyến đi lại chính là các bác sỹ. Từ lâu, tôi, qua những thông tin trên báo chí, và cả những chuyện mình mắt thấy tai nghe. Đã vô hình trung có cái nhìn méo mó về những người trong ngành y, nhưng từ nay có lẽ tôi phải suy nghĩ cẩn thận hơn trước khi muốn nói về họ. Những người trẻ, giỏi và giàu có. Nhưng đầy lòng nhân ái và nhiệt tình.
Có sát cánh cùng họ trong suốt mười mấy tiếng đồng hồ mới cảm nhận được hết nỗi vất vả mà họ chọn cho mình, trong cái ngày mà lẽ ra họ có thể nghĩ ngơi và vui chơi thư giản sau một tuần làm việc. Hầu như tất cả các thành viên trong đoàn đều phải thức dậy lúc 3 h sáng để chuẩn bị cho chuyến đi. Và đến nơi từ 8h họ đã làm việc không nghỉ cho tới khi mổ xong ca cuối cùng. Ngay cả lúc đó họ vẫn chưa được nghỉ ngơi mà phải thu dọn trang thiết bị.
Cho tới khi rửa tay để ăn cơm thì đồng hồ đã chỉ 15h30. Không giải lao, không cơm trưa, làm việc không ngơi tay và chỉ được uống hộp sửa tươi Vinamilk cầm hơi, trước đó vào lúc 7h sáng tất cả chúng tôi mỗi người chỉ ăn nhẹ tại Hưng Phát 2. Tôi thật sự khâm phục những người trẻ nầy. Tất cả bọn họ đều chỉ khoảng 35 đến 40 tuổi!
Ăn sáng tại Hưng Phát 2
Một điều gây ấn tượng khác là bệnh viện Dầu Giây dù chỉ mới đưa vào xử dụng chừng 6 tháng và với kinh phí 65 tỷ đồng. Nhưng có vẻ như nó có vấn đề về chất lượng, các trang thiết bị tuy còn rất mới nhưng nhìn là biết ngay là loại vật liệu rẻ tiền. Thí dụ như mấy cánh cửa nhôm ngăn cách các phòng, chúng được làm bằng loại nhôm rất mỏng. Vì được thiết kế mở ra vô hai chiều nhưng nếu anh không vịn lại khi ra vào thì chúng sẽ va vào nhau thay vì không chạm vào nhau như yêu cầu. Có vẻ như một thời gian nữa chúng sẽ rớt ra vì tôi thấy chúng đã bắt đầu xiêu vẹo, và đây lại là cửa của một khoa chưa hình thành vì thiếu bác sỹ cũng như nhân viên y tế. Chúng chỉ được trưng dụng cho đoàn chúng tôi làm phòng mổ khi có yêu cầu.
Một điều thú vị nữa là trong số 64 ca mổ mắt lần nầy, hầu như đều là người công giáo di cư 1954. Chắc cũng khoảng 90%, rất dễ nhận ra vì khi đưa thuốc cho uống trước mổ họ đều làm dấu thánh giá! Thật đúng là hòa đồng tôn giáo vì nhà tài trợ trong chuyến đi nầy trừ tôi ra thì đều là bên Phật giáo. Làm từ thiện thì không phân biệt, chỉ có điều cần là đúng đối tượng thụ hưởng mà thôi.
Xin được kết thúc nhật ký hành trình bằng câu nói của anh bác sỹ trẻ: Người Việt có quá nhiều nỗi đau, chúng tôi chỉ mong góp một phần làm xoa dịu phần nào mà thôi. Nếu ai có nói gì, xin đừng nói mà hãy làm một điều gì đó đi!
Các nhà tài trợ chính: bìa phải là bà chủ của tui, giửa là chị Tuyết vợ của anh Minh trưởng đoàn. Anh chị từ Pháp về.
Chụp hình kỷ niệm với các bệnh nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét