Không cần đợi đến lúc trở thành thiếu nữ, khi còn là một cô gái nhỏ xíu, Quỳnh soi gương và nhận ra mình xinh đẹp. Làn da trắng ngà, đôi môi đỏ hồng và mái tóc đen óng… Tóc Quỳnh hình như không cần phải chải, nó suôn mượt đến mức như không thể rối vào nhau được. Bà giúp việc chăm sóc Quỳnh từ tấm bé mỗi lần chải tóc và bím lại cho cô trước khi đi học thường bảo :
- Con bé này có mái tóc đen mượt và nụ cười tươi như hoa nên cuộc đời rất sung sướng, mơ được ước thấy…
Quỳnh vẫn biết được mình luôn sung sướng đấy thôi. Cô sinh ra trong một gia đình khá giả, ba mẹ là những người tử tế và sống với nhau hạnh phúc. Họ có cô sau khi sinh liền hai người con trai nên Quỳnh là cô “công chúa” mà ba mẹ mơ ước. Khỏi phải nói ba mẹ nâng niu cô như thế nào, các anh thì luôn nuông chìu em gái. Từ khi vào mẫu giáo cô đã được học ngọai ngữ và năm sinh nhật bảy tuổi Quỳnh được gia đình tặng cho một cái đàn Piano mới toanh đặt mua từ bên Nhật. Nhờ đầy đủ điều kiện, được kèm cặp đúng mức nên Quỳnh học rất giỏi. Thầy cô môn nào cũng muốn “giành” Quỳnh đi thi học sinh giỏi môn của họ phụ trách. Mỗi khi đi họp phụ huynh ba mẹ luôn ngây ngất bởi những lời khen từ giáo viên chủ nhiệm… Sung sướng như vậy nhưng không có nghĩa Quỳnh được đỏng đảnh và lười nhác như một tiểu thư, cô được hưởng một nền giáo dục khá nghiêm khắc. Mẹ dạy nấu ăn, cắm hoa, làm bánh… Còn bà giúp việc nhà dạy cô làm những món ăn thông thường, kể cả những món bình dân như mắm kho quẹt, cá kho tiêu. Mỗi khi đi làm từ thiện bà mẹ hay dẫn Quỳnh theo để cô tận mắt thấy rằng còn bao nhiêu số phận kém may mắn hơn mình cần được chia sẻ… Vì thế, từ khi học trung học Quỳnh đã nung nấu mơ ước trở thành một bác sĩ, theo cô đó là nghề được trực tiếp xoa dịu vết thương cho mọi người. Biết thi vào ngành y là rất khó nên Quỳnh cũng là một “cây gạo” có cỡ và chạy “sô” từ “lò luyện” này qua lò khác. Tuy vậy, bản năng con gái mạnh mẽ khiến cô không quên chưng diện cho mình dù xuất hiện ở đâu. Quần áo, mũ nón, khăn quàng, giày ví của cô nhiều vô kể và lúc nào cũng được cô chọn lựa để màu sắc, kiểu dáng luôn hài hòa với khung cảnh, thời tiết... Cô còn hay tham gia công tác xã hội, thăm trại trẻ mồ côi, hiến máu nhân đạo. Và ở đâu Quỳnh cũng khá nổi bật. Có một vài hãng quảng cáo tìm đến tận nhà mời Quỳnh làm người mẫu quảng cáo trên truyền hình, có người gợi ý đi thi hoa hậu vì Quỳnh cao gần một mét bảy nhưng ba mẹ cô không đồng ý, họ muốn tương lai của con gái phải đặt nên tảng trên học vấn chứ không phải bằng vẻ đẹp bên ngoài. Dù vậy, phải thi đến lần thứ hai Quỳnh mới vào được trường Y. Quỳnh vẫn chuẩn bị tinh thần để thi lại lần thứ ba nếu rớt.
Vào đại học, tham gia nhiều sinh họat đoàn thể, phong trào văn nghệ, Quỳnh biết mình còn có số đào hoa. Nhiều lúc phải tắt điện thoại di động để khỏi phải nghe quá nhiều cuộc gọi và tin nhắn làm quen, tỏ tình của các chàng trai. Bạn của mấy người anh khi đến nhà hầu hết đều muốn trở thành em rể của họ. Mẹ thường tủm tỉm cười pha lẫn chút lo âu bảo “Càng đào hoa càng khó lấy chồng đó con!”
Nhưng năm cuối ở bậc đại học, các bạn cùng lớp lần lượt có người yêu, có cô còn chuẩn bị lên xe hoa khi ra trường. Riêng Quỳnh vẫn lẻ loi dù những “cái đuôi” theo ngày càng nhiều nhưng cô không chọn được ai, chủ yếu là không thể rung động được với người con trai nào. Quỳnh bắt đầu có biệt danh “công chúa tuyết”, “nữ hoàng băng giá” hoặc người đẹp có “trái tim vô cảm”. Cô không tin vậy, khi muốn trở thành một người thầy thuốc, Quỳnh biết mình có một trái tim mẫn cảm vô cùng, trước những đau đớn, mất mát của người chung quanh. Cô luôn bị ám ảnh bởi những bất hạnh của người khác, tìm cách này hay cách kia để xoa dịu. Cô yêu âm nhạc, văn chương và cảm xúc trào dâng khi cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật. Vì cô đơn nên cô thường mơ tưởng đến hình ảnh của một chàng trai, là người yêu, người chồng của mình sau này với những hình ảnh rất lãng mạn. Thế nhưng người trong mộng của cô vẫn chưa hiện ra… Một bác sĩ trẻ ra trường trước Quỳnh sáu năm, khá đẹp trai, làm việc trong một bệnh viện lớn, có phòng mạch riêng, có xe hơi riêng… Nhưng sao người đó thực dụng quá. Những tiêu chí hạnh phúc chỉ là con số thu nhập, là số diện tích nhà ở. Nghề bác sĩ chỉ là một cái “cần câu” danh lợi với anh ta. Liền sau đó một nhà doanh nghiệp trung niên, giàu sang, có mọi thứ, trừ một đời sống tinh thần. Với anh ta, văn chương, âm nhạc chỉ là đồ xa xỉ. Anh muốn có một người vợ xinh đẹp, có danh vị và học thức như sắm một món trang sức cao cấp để làm sang cho mình… Một Việt kiều trẻ, thành đạt về nước thăm gia đình, gặp Quỳnh một lần, khi sang Mỹ anh gởi cho Quỳnh hàng trăm email, kể cả những cuộc điện thọai và những món quà rất trang nhã… Anh không cần danh vị, tiền bạc gì ở cô, anh có thể nuôi vợ suốt đời nhưng anh chỉ thấy một giá trị duy nhất ở Quỳnh: sắc đẹp. Cô nghĩ, chẳng lẽ hàng thế kỷ qua, những con người tiến bộ đã đấu tranh để giải phóng phụ nữ và bản thân những người phụ nữ tự trọng đã đấu tranh để khẳng định giá trị của mình bằng học vấn, tài năng, sự cống hiến… Nay, một cô gái ở thế kỷ 21, lại cam phận trở lại làm kiếp dây leo, sống như một cái bóng để chồng nuôi mình? Đó không bao giờ là sự lựa chọn của Quỳnh. Cũng có người đến với cô bằng một tình yêu chân thành, với sự rung động sâu xa của trái tim và Quỳnh không thể không thú nhận là mình không xúc động bởi tình yêu trong sáng ấy. Nhưng nghẹt một điều là họ không có danh vị xã hội, tương lai không mấy tươi sáng. Quỳnh phải hổ thẹn với lòng mình khi nhận ra mình cũng câu nệ không “môn đăng hộ đối”. Có người đạt nhiều “điểm” nhưng lại không đẹp trai, Quỳnh không quan tâm lắm đến vẻ đẹp bên ngoài, nhưng người cô yêu hẳn phải là đàn ông có sức hấp dẫn… Không ai vừa ý cô cả, mấy người anh trêu chọc em gái rằng có lẽ cô không bình thường hoặc người cõi trên. Bà mẹ bắt đầu sốt ruột khi Quỳnh ra trường, đi làm được vài năm mà vẫn chưa có bờ bến nào để ghé vào. Quỳnh khá thành công trong công việc, luôn được sự ưu ái, ngưỡng mộ của người khác phái. Nhiều lúc cô thấy tuyệt vọng, chẳng lẽ mình ở vậy suốt đời... Cô thấy mọi người yêu thật dễ dàng còn với Quỳnh sao khó quá. Cô không hiểu sao mình không thể yêu ai, nhiều lúc cô ước mình yêu vô tư, mù quáng, dại dột như một số bạn gái của mình. “Coi chừng ế à nghen”, câu nói đùa ấy bây giờ bắt đầu làm Quỳnh chột dạ. Khi nghe những lời tán dương ngất trời về mình cô không còn vui nữa. Đẹp, giỏi, tốt nhưng không biết yêu… Để làm gì nhỉ? Thậm chí là bất hạnh.
Cho đến một lần Quỳnh cùng đoàn công tác của bệnh viện đến khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở một vùng xa. Đang giờ ăn cơm, nghỉ ngơi, người dân địa phương nháo nhác báo cho họ biết có một tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra và một chiếc xe bị rơi xuống hố… Quỳnh vội buông đũa, khoác chiếc áo blouse theo xe cấp cứu. Đến nơi họ nhìn thấy một cảnh kinh hoàng, chiếc xe hơi bị nạn ở dưới hố và những người đi trong xe đều nằm gọn trong chiếc xe móp méo, không biết sống chết thế nào. Theo lời kể của người đi đường, vì tránh một chiếc xe máy ngược chiều chạy ẩu nên chiếc xe hơi mất trớn và rơi xuống… Nhờ sự giúp đỡ của người dân, nhóm y bác sĩ xuống được dưới hố, phá cửa xe đưa những người bị nạn ra ngoài. Họ gồm tám người, người gãy chân, người bị đa chấn thương, có người không thấy máu me gì nhưng bất tỉnh… Tất cả được đưa về trạm cấp cứu rồi đưa về bệnh viện thành phố vì đó là một đoàn gồm những nhà khoa học đi công tác xuất phát từ thành phố. Quỳnh thay mặt đoàn mình đưa họ về. Trong đó có một người mà cô e rằng bị chấn thương cột sống nặng, anh ta còn tỉnh táo và trông khá trẻ… Quỳnh rùng mình khi nghĩ rằng anh ta sẽ mằm một chỗ suốt đời. Quả là như vậy, khi về bệnh viện, sau khi khám tất cả, vị bác sĩ trưởng khoa nói với Quỳnh “Ca này nặng lắm…” Rồi ông thở dài “Anh ta mới ba mốt tuổi, chưa có gia đình mà người thân cũng đang sống ở nước ngoài. Tội.” Quỳnh nghe lòng nhói đau khi nghĩ tiếp, nếu nặng như thế, không chỉ nằm liệt một chỗ mà e rằng anh ta cũng không thể lấy vợ và có con.
Dù không có nhiệm vụ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhưng ngày nào Quỳnh cũng ghé qua chỗ anh theo, theo dõi bệnh lẫn quan sát anh ta. Lúc đầu anh thường nằm thiêm thiếp trông như đang ngủ, vầng trán cao sang, chiếc mũi thẳng, đôi môi đầy đặn, nghiêm nghị mím lại vì nén một nỗi đau tinh thần hơn là thể chất. Con người này hẳn từng làm khổ nhiều cô gái đây, cô nghĩ… Quỳnh hay đến thăm trong giờ dành cho thân nhân, đôi khi xem thử có những ai, mối liên hệ với anh ta ra sao và cô tự cười cái tính tò mò phụ nữ của mình. Tất nhiên có rất nhiều cô gái đến thăm, có vài cô rất đẹp, những đồng nghiệp trẻ già, có người là họ hàng gần xa. Hầu hết, họ xót xa cho một nhà khoa học trẻ, có nhiều năng lực và thừa niềm đam mê lại là người bị nặng nhất. Những bệnh nhân cùng đi với anh lần lượt ra viện còn anh ở lại. Rồi anh cũng nhận ra Quỳnh, người đã leo xuống hố cứu mình. Anh nói một câu hài hước:
- Lúc đó tôi cứ tưởng có một thiên thần hiện ra dẫn tôi lên thiên đường! Đâu ngờ phải ở lại cái địa ngục này…
Đến lượt Quỳnh được phân công phụ việc cho bác sĩ chính theo dõi và điều trị cho anh. Em gái anh từ nước ngoài về còn mẹ anh yếu quá không thể về thăm con nổi. Cô ấy khóc lóc sụt sùi khi nói chuyện riêng với Quỳnh.
- Bác sĩ biết không, anh ấy đâu chịu đi xuất cảnh cùng gia đình, chỉ thích ở lại để theo đuổi ngành địa chất. Chị ơi, khi ấy anh đậu cả hai trường đại học, và anh bỏ ngành y mà ai cũng mơ ước để chọn học địa chất. Khi ra trường, anh học tiếp rồi mới đi nghiên cứu, rất vất vả và bây giờ là thế này đây...
Biết anh mình phải chữa bệnh lâu dài, nằm hoài trong bệnh viện tù túng, cô em đã xin phép đưa người anh về nhà nhờ bác sĩ đến điều trị và thuê người chăm sóc, cô phải trở lại Úc vì con còn nhỏ… Cô ấy còn lớn tuổi hơn Quỳnh nhưng cứ gọi Quỳnh là “chị” và xưng “em” ngọt xớt.
- Chị ơi, thỉnh thoảng chị làm ơn ghé qua nhà, ngó qua anh của em một chút. Phải chi anh em học trường y thì thành đồng nghiệp của chị rồi. Chị đẹp quá. Mẹ em cứ hối thúc anh lấy vợ nhưng anh nói, phải yêu thật là yêu thì mới lấy được, còn không thì ở vậy. Nhiều cô thích anh lắm… Nhưng giờ thì vậy đó, phải chi anh chịu cho em mang anh sang Úc chạy chữa… Hay chị từ từ tìm cách thuyết phục hộ em, anh chịu ra nước ngoài, gia đình em biết ơn chị suốt đời.
Quỳnh cười buồn:
- Tôi đâu có quyền lực gì để làm nổi việc đó…
Qua Úc, cô ấy gọi điện ngay cho Quỳnh và gởi email. Quỳnh cũng ngại, cô không còn nhiệm vụ gì, bác sĩ điều trị tại nhà cho anh cũng là một bác sĩ khác, đồng nghiệp của Quỳnh. Nhưng cô em cứ năn nỉ và mỗi lần Quỳnh ghé thăm, ánh mắt nồng ấm, cố kìm nén nỗi đau một cách can đảm của anh khiến cô không thể không đến. Quỳnh nhận ra sự sung sướng, xúc động chen lẫn tuyệt vọng của anh khi thấy cô. Nằm một chỗ nhưng anh không buồn chán lắm nhờ rất thích đọc sách báo, lên mạng internet theo dõi những thông tin của ngành địa chất và ghi ghi chép chép. Cô chọn những quyển sách mình thích mang cho anh mượn. Trong khi trao đổi về những gì đọc được, Quỳnh nhận ra rằng ngoài niềm say mê khoa học, anh còn cảm nhận về văn chương sâu sắc và tinh tế. Càng tiếp xúc với anh, Quỳnh càng sợ hãi những cảm xúc trào dâng trong tim mình. Tại sao trái tim của cô lại xao xuyến trong một hoàn cảnh nghiệt ngã như thế này. Cô có điên không. Quỳnh muốn trốn chạy khỏi anh nhưng không làm nổi điều đó. Anh ta ngày càng ám ảnh cô, lúc đi trên đường, trong bữa ăn, giấc ngủ, lúc khám bệnh… Mỗi lần cô đến anh không nói gì nhiều nhưng cô cảm thấy anh ta cũng bối rối y hệt như mình, cũng chất chứa một điều gì, như một đám mây nặng, chỉ chờ một cơn mưa. Rồi một ngày anh thu hết can đảm nói với Quỳnh :
- Quỳnh ạ, anh không muốn em khó xử và anh phải sống trong dằn vặt. Em hãy cho anh đừng gặp em nữa, hãy cho anh xa em, dù bây giờ em là lẽ sống của anh. Em hoàn hảo quá, em phải được yêu một cách xứng đáng và được hạnh phúc. Anh không được phép níu chân em… Em đi đi.
Không kìm được, Quỳnh bật khóc nức nở, qua hàng hàng nước mắt cô thấy vầng trán cao, đôi mày mạnh mẽ của anh nhăn lại trong tận cùng của đau đớn. Đau đớn hơn cả khi anh biết tin mình bị chấn thương cột sống và có thể chẳng bao giờ được làm việc và làm chồng, làm cha… Họ ngồi yên lặng bên nhau rất lâu rồi đến lúc Quỳnh ra về. Nhưng không ngờ chỉ mấy bước chân thôi, như có một sức hút vô hình buộc cô phải quay đầu nhìn lại. Anh nằm đó, trên chiếc giường lò xo kiểu bệnh viện, có thể dựng lên ở phần lưng, hạ xuống phần chân, mắt anh thăm thẳm yêu thương, âu yếm lẫn buồn đau cùng một sự chấp nhận, bao dung đến lạ lùng. Cô quay bước lại, đổ xuống anh như một cái cây bị đốn hạ. Anh ôm chặt lấy Quỳnh, môi tìm môi quấn quýt lấy nhau cùng vị mặn của nuớc mắt của hai người hòa quyện lại trên môi nhau. Quỳnh cứ nằm trong lòng anh như thế, mặc cho người phụ nữ lớn tuổi chăm sóc anh lâu nay vào nhìn thấy và lui gót… Buổi chiều êm, ngoài thềm vắng vài chiếc lá khô rơi xào xạc.
Tình yêu lâu nay phải dồn nén được buông thả nên ngày nào họ cũng phải gặp nhau. Đi làm về, tắm rửa, trang điểm là Quỳnh chạy xe đến nhà anh. Bà mẹ bắt đầu dò hỏi với một chút mừng vui, hy vọng rằng con gái đã tìm được một tình yêu đẹp đẽ, vì cái vẻ xôn xao, say đắm toát ra ở mắt môi, ở từng bộ phận nhạy cảm trên cơ thể xuân thì của cô không giấu được ai. Ánh mắt ấy làm Quỳnh đau thắt. Nếu bà biết sự thật rằng con gái của mình đang yêu như mê cuồng một chàng trai nằm liệt giường, không hy vọng gì đứng lên được nữa.
Những ngày tháng ấy, Quỳnh sống như trong một cơn mê, không còn nhớ gì, nghĩ gì, cô khá bận rộn với công việc ở bệnh viện, phần thời gian còn lại là dành cho anh. Mỗi lần gặp nhau chỉ là để chìm đắm trong lòng nhau, những nụ hôn không muốn rời, những vuốt ve ngây ngất mà chắc những ai từng sống trên thiên đường cũng không có được sự trải nghiệm thần tiên ấy. Anh bảo:
- Nếu đổi tai nạn ấy để được có em anh vẫn thấy mình quá lời… Chỉ tội cho em.
Quỳnh bịt mồm anh bằng một cái hôn, nhưng sau đó anh vẫn nói:
- Dù gì em vẫn phải có tương lai, người như em phải được làm vợ làm mẹ, nếu không uổng phí lắm …
- Tương lai của em là mang đến hạnh phúc cho anh.
- Nhưng anh không thể mang đến hạnh phúc cho em.
- Em không tin vậy…
Và họ đã thử. Anh như run lên khi Quỳnh tự cởi quần áo ngoài, quần áo lót để anh nhìn ngắm thân thể thanh tân của cô. Anh thốt lên “Em đẹp như một nữ thần”. Quỳnh muốn dâng hiến sự trong trắng cho anh. Cô dịu dàng nằm xuống bên cạnh, họ ôm lấy nhau… Khi anh cố chồm lên người Quỳnh nhưng sự đau đớn làm anh nằm vật ra, mồ hôi đầm đìa. Có lẽ đây là nỗi đau đớn tột cùng của một con người mà Quỳnh nhìn thấy được trong đời nhưng chính điều đó khiến Quỳnh trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ. Cô cứ ôm chặt lấy anh và họ ngủ thiếp đi trong vòng tay của nhau.
Ngoài bác sĩ chuyên khoa điều trị, Quỳnh đọc sách và lên mạng internet tìm hiểu về căn bệnh của anh. Và cô đau xót nhận ra rằng cách điều trị, cho thuốc đều đúng, theo kịp với y học hiện đại nhưng sao chuyển biến của bệnh chẳng có gì đáng lạc quan, kể cả vật lý trị liệu và những phương tiện y khoa khác rất đắt tiền.
***
Quỳnh sống như trong một giấc mơ, cô không hiểu chuyện gì xảy ra là từ đâu. Hơn một năm sau, anh bắt đầu tự ngồi được và họ yêu nhau như tất cả mọi người bình thường. Ai đã từng yêu và được yêu, ân ái cùng người mình yêu và đạt đến cực cảm, thì họ tin rằng mình đã được hưởng nhiều gấp chục lần hơn những cặp tình nhân ấy. Không lần nào họ yêu nhau mà Quỳnh không khóc vì hạnh phúc. Gia đình Quỳnh biết mối tình của họ khi người cô yêu bắt đầu lẫm chẫm tập đi. Mẹ anh ở nước ngoài dù rất yếu cũng bảo con gái đưa về nước để thăm người con trai “chết đi sống lại” của bà. Người mà bà ôm lâu và khóc nhiều không phải là người con trai yêu quý mà chính là Quỳnh. Trong bữa tiệc vui, lần đầu tiên gia đình Quỳnh với gia đình anh gặp nhau cùng với người bác sĩ điều trị của anh. Ông vui vẻ từ chối lời cảm ơn của mọi người:
- Không phải tôi giúp anh ấy bớt bệnh đâu, mà chính cô bác sĩ Quỳnh trẻ đẹp ngồi bên cạnh anh đó. Có lẽ lần đầu tiên trong cuộc đời thầy thuốc của mình, tôi chứng kiến được rằng tình yêu quả là một liều thuốc kỳ diệu nhất…
Sau đó ít ngày họ làm lễ đính hôn. Những tấm ảnh chụp trong ngày ấy Quỳnh luôn mang theo trong túi xách của mình, cô còn lấy làm hình nền cho cái máy tính xách tay và điện thoại di động, cứ có giờ rảnh là cô mở ra ngắm nhìn không chán…
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét