Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

'Mải mê' dự báo Đại lễ, lơ là nơi khác?



  – Dù đã nhận được cảnh báo, nhưng các địa phương vẫn trở tay không kịp trước đợt mưa lũ kỷ lục đang diễn ra tại miền Trung, khiến 27 người chết (tính tới 22h ngày 5/10). Trước thực tế này, nhiều người đã đặt dấu chấm hỏi về công tác dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia. Liệu có phải vì “mải mê” dự báo thời tiết cho Đại lễ mà các công tác dự báo khác bị lơ là?
TIN LIÊN QUAN

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia về vấn đề này.

- Những ngày qua, có thể thấy Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia đã dành cho Thủ đô Hà Nội sự quan tâm đặc biệt khi đưa ra bản dự báo rất chi tiết về thời tiết các thời điểm từng ngày trong dịp Đại lễ. Ông nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng vì Trung tâm dồn lực dự báo tỉ mỉ cho Đại lễ nghìn năm nên các công tác khác bị lơ là?

Ông Phạm Văn Đức: Đợt mưa, lũ này đã được cảnh báo sớm hơn các đợt mưa lũ trước đây và được theo dõi sát sao theo đúng quy chế.

Thực ra, có thể vì tăng cường dự báo phục vụ Đại lễ cho nên chúng tôi phát hiện sớm hình thế gây mưa lớn ở miền Trung đợt này.

Tuy nhiên những thông tin mà quý báo cung cấp chúng tôi sẽ nghiêm khắc xem xét rút kinh nghiệm, để công tác dự báo ngày càng tốt hơn.

- Ông có thể cho biết công tác dự báo đợt mưa lũ đang xảy ra tại miền Trung được tiến hành như thế nào?


Ông Phạm Văn Đức: Trong đợt mưa này (bắt đầu từ 1/10 – PV), ngay từ ngày 30 tháng 9, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương đã cảnh báo có khả năng xảy ra một đợt mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, tập trung vào khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế.

Ngày 1/10, trung tâm phát đi thông tin dự báo lũ lên ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và cảnh báo lũ lớn sẽ xảy ra ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có khả năng lên mức BĐ3 và trên BĐ3).

Trong những ngày mưa, lũ xuất hiện, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ cùng với các Đài và các Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh theo phân công, phân cấp, đã theo dõi chặt chẽ và ra các bản Thông báo lũ cung cấp cho Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ, lãnh đạo các cấp ở địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương, và trên Website của Trung tâm để kịp thời và thuận tiện theo dõi tình hình mưa lũ.

Mô tả ảnh.
"So với các đợt lũ trước, đợt này chúng ta đã cảnh báo lũ sớm trước 2 ngày, theo dõi sát và dự báo khá chính xác diễn biến của mưa lũ" - Ảnh: DT

- Trong các nội dung trả lời các cơ quan thông tin đại chúng về tình hình mưa lũ, lãnh đạo các địa phương cho biết họ đã nhận được cảnh báo về đợt mưa lũ trước đó. Dù đã có chuẩn bị sẵn sàng nhưng đến thời điểm này họ đã trở tay không kịp vì không ngờ lượng mưa quá lớn (có nơi lên tới 1.300mm), lũ lên quá nhanh, quá mạnh. Nếu công tác dự báo là đầy đủ và kịp thời như ông vừa nói thì ông có thể lý giải thực tế này như thế nào?
Ông Phạm Văn Đức: So với các đợt lũ trước, đợt này chúng ta đã cảnh báo lũ sớm trước 2 ngày, theo dõi sát và dự báo khá chính xác diễn biến của mưa lũ.

Tuy nhiên, do chưa nắm được thông tin xả lũ của hồ Hố Hô (Hà Tĩnh) nên có bị động trong việc dự báo lũ cho hạ lưu sông Ngàn Sâu. Vì vậy, một vài bản tin dự báo còn thiên thấp hoặc thiên cao, nhưng đã hiệu chỉnh kịp thời và báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ để kịp thời xử lý.

- Nếu dự báo “khá chính xác diễn biến của mưa lũ” như ông vừa nói thì có thể hiểu là các địa phương sẽ không bất ngờ. Nhưng thực tế lại khác, thưa ông….

Ông Phạm Văn Đức: Các nước trên thế giới cũng không có dự báo một cách chính xác về lượng mưa. Chúng tôi đưa ra nhận định trước vài ngày là “mưa lớn”, “mưa to đến rất to”, rồi sau đó đã liên tục bổ sung bằng các bản tin 24h để các địa phương và cơ quan chức năng nắm được tình hình để kịp thời điều chỉnh phương án đối phó.

Lượng mưa trong những ngày qua là lớn nhưng không gây bất ngờ vì không chênh so với số liệu đưa ra trong các dự báo bổ sung mà Trung tâm đã phát đi.


f
Lãnh đạo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia khẳng định không có chuyện vì mải mê dự báo thời tiết cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mà công tác dự báo cho các địa phương khác bị lơ là
Xin ông cho biết những điểm khác biệt trong đợt mưa lũ vừa qua và diễn biến tiếp theo trong những ngày tới?

Ông Phạm Văn Đức: Hiện nay lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đang xuống chậm nhưng còn ở mức cao, riêng hạ lưu sông La còn lên chậm.

Trong những ngày tới mưa giảm dần nên lũ tiếp tục xuống, nhưng phải 2 – 3 ngày tới lũ mới xuống đến mức bình thường và tình hình ngập, lụt mới hết.

So với những năm lũ lớn trước đây, cụ thể là năm 2007, lượng mưa có lớn hơn nhưng mưa kéo dài 4 ngày, không liên tục, mưa tập trung ở hạ lưu. Trong khi đó năm 2007 mưa chỉ kéo dài trong 2 ngày với lượng gần tương đương; vì vậy, so với năm 2007, lũ năm nay lên chậm hơn, đỉnh lũ thấp hơn, nhưng lũ ở mức cao kéo dài hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Cẩm Quyên (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét