Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2010

Phận "kiều nữ"


Đời hồng nhan
TT - Trong 14, 15 giây di chuyển từ sàn bar xuống phòng VIP, trong đầu tôi hình dung những tình huống xấu nhất và cách xử lý. Mặc dù vậy, khi dòng chữ VIP in đậm to đùng trên cánh cửa đập vào mắt và nghe người phục vụ nói lúc mở cửa “Vui vẻ nha anh”, tôi rợn ót!
Đi vệ sinh để tranh thủ ngồi bệt xuống sàn nhà vệ sinh sau những giờ mệt mỏi trên đôi giày cao gót - Ảnh: My Lăng
Như một cơn say
Nhưng phòng VIP trước mắt tôi là một quầy bar nhỏ với đầu đĩa hát karaoke, có một nhân viên phục vụ và tới... bốn bảo vệ. Thành ghé tai nói nhỏ: “Anh biết em không uống rượu được, không thích ôm khách mà quản lý cứ sàng qua sàng lại nên đưa em xuống đây tránh phiền phức cho em. Em không chịu được máy lạnh đúng không? Anh thấy em run lên”. Tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng... Lúc gần về, Thành nâng ly mời và tế nhị giúi tiền vào tay trái tôi...
Buổi tối hôm ấy, khi đứng xong bàn cuối cùng, trong cơn say Thục Ngân - cô PR mới đi làm ngày đầu - bất ngờ gục mặt vào vai tôi lặng lẽ khóc: “Hồi trước đi chơi bar thấy nhiều cô gái lả lơi ôm khách, em cười khinh bỉ họ, cho rằng đó là loại đàn bà không có lòng tự trọng. Thế mà cuối cùng em cũng không khác gì người ta...”. 18 tuổi Ngân gặp một đại gia. Đó là người đàn ông rất đạo đức trong cái nhìn đầy ngưỡng mộ của một cô gái ngây thơ. Nhưng khi biết Ngân có thai, anh ta rời xa không một lời giải thích. Cô phải ra Nha Trang sinh con trong một cô nhi viện. Gần hai năm sau, Ngân quyết định về Đà Lạt thú thật mọi chuyện với gia đình rồi gửi con cho cha mẹ. Ngân xuống Sài Gòn học một trường du lịch.
“Bar không phải là nơi dành cho gái nhà lành. Nhưng không bằng cấp như em muốn kiếm nhiều tiền thì bar là lựa chọn tốt. Nếu cái chết giải quyết được vấn đề thì em đã chết rất nhiều lần rồi. Nhưng em không thể bỏ người thân của mình được. Con em ai sẽ lo? Em đã sinh nó ra trên đời thì nhất định sẽ không để nó khổ”, Ngân tâm sự.
Ban ngày cô lên giảng đường, tối đến làm PR bar. Ngân luôn giữ thái độ chừng mực: cho khách ôm nhưng không quá đà, uống rượu nhưng luôn khôn khéo nhờ khách uống giùm phần của mình. Nhưng có hôm đứng bàn nhiều quá Ngân vẫn say. Khuya hôm đó, khi đưa cô về nhà trọ, đang loạng choạng đi như lê từng bước lên bậc cầu thang, Ngân ngồi thụp xuống ôm gối khóc. Cô nghẹn ngào: “Em sợ cuộc đời mình giống như cơn say này, đi mãi mà không tới đích. Em từng sống rất kiêu hãnh nhưng nếu cứ như thế này mãi em sẽ hư mất. Nhân phẩm của em nếu đổi được cơm ăn áo mặc cho con em, lo cho ba mẹ em thì em không tiếc. Nhưng nhiều lúc phải để cho những kẻ chẳng ra gì ôm mình mà vẫn phải cười thì nhục lắm”.
Người phụ nữ mới 22 tuổi nhưng đầy từng trải ấy tỏ ra bi quan: “Trên đời này làm gì có tình yêu vĩnh cửu. Em không yêu đàn ông nữa. Em chỉ yêu tiền thôi”. Ngân nói một cách bất cần. Vậy nhưng có lần đi chơi với Ngân, khi được Thắng (một người khách) tặng bó hoa hồng, cô rạng rỡ đón bằng hai tay với niềm vui như trẻ thơ.
Những mảnh buồn...
Giống như Thục Ngân, những cô PR mà tôi gặp luôn lạnh lùng, bất cần và gai góc. Họ luôn nói đến tiền và luôn nhắc đến đàn ông với thái độ khinh miệt, cay nghiệt. Họ đốp lại đầy dữ dội khi ai đó chạm đến nghề nghiệp của mình: “Ừ. Tao không đàng hoàng mới đi làm cái nghề này!”. Nhưng khi say, họ trở nên dịu dàng và lo lắng quan tâm một cách chân tình. Họ chỉ nói về cuộc đời mình - những câu chuyện được chắp nối rời rạc với nỗi đau và chuyện buồn trong những cơn say. Họ luôn cười tươi và đầy sức sống để che đi những góc khuất trong tâm hồn.
Khá nhiều PR ở đây từng có gia đình. Như Minh Nguyệt, cô PR quê Tây Ninh hay ngồi trầm lắng ở một góc trong sàn, đã lập gia đình 10 năm trước. Ở tuổi 30, Nguyệt khó cạnh tranh với những PR trẻ khác. Lấy chồng bốn năm, cô đi lao động ở Hàn Quốc, gom góp tiền gửi về cho chồng mở quán cà phê. Đột ngột về VN, Nguyệt vụn vỡ khi thấy chồng đang sống cùng một nhân viên bán cà phê.
Cuộc chia tay đau đớn. Nguyệt đi làm ở quán nhậu rồi chuyển qua làm PR một bar ở Gò Vấp. Một tay bảo kê là đại ca ở đó mê Nguyệt đến mức cuồng si. Hắn tìm đủ mọi cách, kể cả đe dọa, để Nguyệt đồng ý lấy mình. Cô phải trốn đi. Nguyệt đang sống chung với một chàng sinh viên thua mình sáu tuổi. Cô đi làm để lo cho bạn trai ăn học nhưng anh ta suốt ngày vùi mặt trong phòng chơi game. Nguyệt thở dài thừa nhận: “Chị biết chuyện này rồi chẳng đến đâu. Nhưng những lúc say về lại cần một người đàn ông cho mình dựa dẫm”.
“Chị không tin bất cứ thằng đàn ông nào nữa - Nguyệt khẳng định - Không thể có tình yêu giữa PR và khách. Ôm những thằng đàn ông lạ thì làm gì có cảm giác nhưng vì tiền phải vậy thôi”.
Câu nói của Nguyệt làm tôi nhớ đến Quỳnh Thy. Thy là một trong những PR rất chịu chiều khách. Giọng cô khàn bởi thuốc lá và rượu. Thy thường đến sớm. Cô luôn ngồi lặng lẽ ở một vị trí nhất định trước tấm gương lớn, tự trang điểm. Sự từng trải với nhiều nỗi đau từ những đổ vỡ đã làm gương mặt Thy già nhiều hơn cái tuổi 21.
Tối hôm đó. Lần thứ ba gặp Thy trong phòng vệ sinh, Thy say lả. Trong cơn say Thy kể những thông tin rời rạc: “Chồng Thy bị tạm giam hơn ba tháng rồi... Ảnh bán “hàng” rồi xài luôn! Mỗi tháng Thy thăm ảnh hai lần... Thứ ba này em đi với Thy không?”.
7g sáng thứ ba. Khi tôi đứng trước cửa nhà Thy vẫn nằm mê mệt. Mãi sau Thy mới dậy. Cô gạt mớ tóc rối, than đau đầu và nói bằng giọng khàn đặc: “Tối qua Thy say quá không biết ai đưa về. Điện thoại không biết ai cầm. Cũng chẳng biết khách có bo tiền hay không”. Thy liêu xiêu đứng dậy. Cô không dám ăn sáng, vơ lấy mũ bảo hiểm đi ngay.
Cuộc gặp gỡ vẻn vẹn 15 phút của vợ chồng Thy trong nhà tạm giam Công an quận Tân Phú. Trên đường về, Thy gục mặt vào vai tôi nói bằng giọng nghèn nghẹn: “Tòa sắp xử rồi. Nếu ảnh bị tù trên 10 năm không biết Thy có đứng nổi không nữa...”.
Có lần khách ép uống dữ quá, Thy say tới nỗi té đập đầu xuống sàn. Lúc tỉnh dậy thấy mình đang ở nhà. Rờ lên đầu cô thấy máu khô! “Thy giấu bố mẹ đi chụp phim coi có bị sao không. Thy không sợ chết. Chỉ sợ là gánh nặng của bố mẹ thôi” - Thy nói, đôi mắt buồn thăm thẳm... Có một thời gian dài cùng quẫn, tuyệt vọng, Thy từng cắt mạch máu hai lần. Nhưng cô không có ý định tự tử để chết mà chỉ muốn biết cảm giác gần chết như thế nào!
Một tối, hơn 12g đêm. Tôi đang đứng bàn thì nhận được điện thoại của Thục Ngân. Ngân khóc nức nở làm tôi phát hoảng. Một người khách xin quản lý cho cô ra ngoài đi ăn nhưng lại dừng trước một... khách sạn! Cô bật khóc nằng nặc đòi về bar. Lúc ấy Ngân mới hiểu “đi ăn” là đi khách!
Thế giới “bung” tiền
TT - Bar, vũ trường năm 2010 phân cấp rõ rệt: bar nào khách nấy và khách dạng nào chơi kiểu ấy. Những tay chơi thực thụ chỉ đi bar ở Q.1 và Q.3, TP.HCM. Đỉnh nhất hiện nay là những bar, vũ trường ở Q.1 như Gossip, 030, D&D, Shadow... nơi có nhiều đại gia, tổng giám đốc các tập đoàn lớn.
Cô PR 19 tuổi người miền Tây này phải chống đói bằng tô mì gói trong nhà vệ sinh - Ảnh: My Lăng
Những kiểu chơi ngông
Những nhân viên làm ở bar Phương Đông (đường Hai Bà Trưng, Q.1) thời hoàng kim vẫn rỉ tai nhau câu chuyện về một vị khách lạ như ví dụ điển hình cho cách xài tiền kiểu đại gia. Đó là một người khách trẻ, đi dép lê, quần áo giản dị nên khi bước vào bar không một PR nào ngó ngàng.
Cuối cùng một PR đến. Khách yêu cầu một ly sữa tươi. PR bảo ở đây chỉ bán bia. Vị khách rút ngay tờ polymer 500.000 đồng lạnh lùng nói: “Đi mua giùm anh”. Cô PR đó xuống dưới cửa mới biết vị khách này đã boa cho dàn bảo vệ mỗi người 500.000 đồng khi mới bước vô!
Biết cô PR không có tiền sửa điện thoại, vị khách rút ra một xấp polymer toàn tờ 500.000 đồng mới tinh, nói: “Em cầm lấy 5 triệu mua điện thoại mới đi!”. Gần lúc tính hóa đơn, vị khách rút tiếp một xấp tiền bảo: “Anh gửi em 2 triệu. Kiếm cho anh một cô chịu ngủ với anh tối nay!”. Tổng cộng để uống ly sữa tươi trong bar, vị khách chơi ngông kia đã “bung” 7.500.000 đồng, chưa kể xấp tiền rải cho dàn bảo vệ!
Nhiều dân chơi khi nhắc đến “Dragon” (rồng), tên thật là T. (sinh năm 1985), con một đại gia kinh doanh vật liệu xây dựng ở Sài Gòn, đều phải nghiêng mình bái phục. Sau mỗi lần ký thành công một hợp đồng, ba mẹ thiếu gia này lại cho cậu quý tử ... vài trăm triệu đồng để “ăn sáng” như cậu ta từng tuyên bố. “Dragon” sở hữu sáu chiếc ôtô, trong đó có Lexus, BMW, Innova...
Tối nào “Dragon” cũng dẫn đầu một nhóm 4-5 người đi bar. Hình ảnh quen thuộc của “Dragon” mỗi lần xuất hiện là đi cùng một em chân dài và kè kè một vali đựng tiền bóng loáng! Lần nào thiếu gia cũng “đốt” không dưới vài chục triệu đồng nên nhanh chóng trở thành khách VIP của bar 030 và Velvet (Q.1). Riêng ở bar Velvet, phục vụ và quản lý nhác thấy thiếu gia này đã vồn vã tiếp... từ xa. Mỗi khi tính tiền thiếu gia bình thản rút trong vali ra một cọc toàn tờ 500.000 đồng nhờ quản lý chia tiền boa giùm!
Long, một đại gia trong lĩnh vực xây dựng, kể: “Một quý tử trẻ vào Gossip (Q.1) với một nhóm bảy người, chỉ 18-22 tuổi. Vừa vào tới nơi cậu này gọi ngay người phục vụ ở sảnh VIP lại hét lớn: “Mày biết ông nội mày là ai không mà dám cho khách ngồi bàn này?“. Người phục vụ chưa kịp trả lời đã bị hai cái tát nổ đom đóm mắt khiến anh này tối sầm mặt mũi. Quản lý và bảo vệ ở gần đó nhưng không dám ho he. Một lát sau quản lý khu vực tới xin chuyển khách đã ngồi ở đó từ trước sang một bàn khác để nhường bàn Vip cho “ông trời con”.
“Ông trời con” thường xuyên đến Gossip chơi và mỗi lần chơi không bao giờ chi dưới 5.000 USD. Quý tử này chỉ gọi rượu XO dẹt, giá 22 triệu đồng/chai. Chiếc bàn mà quý tử này đặt quanh năm suốt tháng không ai được phép cho khách ngồi. “Ông trời con” vẫn chơi đẹp khi ra về đã rút hai tờ 500.000 đồng cho người phục vụ bị đánh.
Tri Đồng, người từng ăn dầm nằm dề ở những bar, vũ trường từ năm 2002, lắc đầu chép miệng khi kể lại cái cảnh người ta rải tiền như rải lá cây mà anh tận mắt chứng kiến ở vũ trường Gossip. Nhân vật chính là một đại thiếu gia mới 24, 25 tuổi, vừa bước ra khỏi chiếc xe hơi láng coóng sang trọng, trên tay cầm một xấp tiền dày cả tấc toàn tờ 100.000 đồng mới tinh, bình thản ngắt từng xấp tặng cho từng nhân viên bảo vệ từ tận ngoài cửa vào đến bên trong vũ trường.
“Tất cả những người ở Gossip đêm đó đều đổ dồn vào mọi cử chỉ, hành động của anh ta. Đêm đó anh ta là thượng khách của Gossip. Từ đó về sau chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tiêu tiền khủng khiếp như vậy” - Tri Đồng nhún vai kể.
Kiểu chơi “thì hiện tại”
Nhưng theo nhiều dân chơi, đại gia bây giờ rất ít đi bar. Họ cũng hiếm khi thể hiện mình như các thiếu gia hoặc “đại gia... giả”. Đại gia lập hẳn một quầy bar hoành tráng tại nhà, mời những cô PR chân dài xinh đẹp đến. Vừa thoải mái quậy tưng bừng vừa kín đáo, ít bị nhòm ngó và độ an toàn cực kỳ cao.
Ngọc, một PR từng làm ở Gossip, kể: “Lần duy nhất tôi được đến nhà một đại gia ở Phú Mỹ Hưng (Q.7), người ta bịt mắt chở tới căn biệt thự cho đến khi vào trong phòng bar mới tháo dải băng ra. Lúc về cũng vậy. Bar tại nhà mà hoành tráng y như vũ trường, chỉ nhỏ hơn thôi. Nhiều trò “vui” lắm: tắm sâmbanh, chơi “đá”, “cắn” thuốc (lắc). Đứa nào được đại gia thích thì “phục vụ”. Lần đó tôi được ba chai (3 triệu đồng)”.
Bar năm 2010 chứng kiến những kiểu “bung” tiền của dân choai choai và những “đại gia... giả”. K.O., quản lý một bar trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận), bật cười khi kể về một cậu học sinh mới lớp 10 vào bar thử... cảm giác xài tiền. “Thằng nhóc đó đúng là lần đầu đi bar vì không biết uống rượu, chỉ gọi một chai bia. Thấy ai cũng boa: quản lý, phục vụ, nhân viên vệ sinh, PR đứng bàn, cả PR đi ngang qua cũng ngoắc vô xòe tiền boa. Người được 200.000 đồng, có người được 500.000 đồng. Riêng tiền boa bữa đó sơ sơ mười mấy triệu đồng.
Nghĩa, một dân chơi ở Phú Nhuận hay đi bar, khẳng định: “Giờ dân vô bar chi bạo tay nhưng không phải là đại gia nhiều lắm. Thường là dân hay cá độ đá banh, đánh đề với số tiền lớn. Mùa World Cup vừa rồi có người thắng vài tỉ đồng, vô một bar trên đường Lý Tự Trọng (Q.1) chơi, trả tiền cho tất cả khách ở đó. Nghe nói hết mấy trăm triệu!”.
Khi nhắc đến dân chơi kiểu này, cô PR tên Bình Khương kể về khách quen của một bar trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, có biệt hiệu “Móm”. Anh này từng tuyên bố đã quẳng hơn 2 tỉ vào bar V kể từ khi bar này xuất hiện (hơn hai năm). Hóa đơn của anh ta thường trên 4 triệu đồng một lần! Nhưng khi boa, PR mới được 100.000-200.000 đồng, còn PR cũ thì “lốc” (không boa) dù bị ép uống đến xỉn “cắm đầu”!
Bình Khương kể thêm một nhóm khách trẻ, quậy và... chảnh. Thích thì vô. Chưa PR nào đặt bàn được. Nhóm này uống rượu như uống nước lã với một nguyên tắc: tới phiên người nào người đó phải uống 100%, nếu chỉ uống 50% là bị đuổi ra ngay. Có lần một người trong nhóm cao hứng khoe: bữa trước vô bar Olympus (Q.Gò Vấp) đi sáu người mà “quất” hết năm chai (rượu), mỗi chai 3 triệu đồng. Bữa đó sơ sơ tiền rượu đã hết 15 chai (triệu), chưa kể tiền “thuốc” (lắc) và tiền boa...
Chuyện tình PR
TT - “Dù sao nó cũng chỉ là một con PR thôi!”. Câu nói đó từ một người khách trong cuộc trò chuyện giữa anh ta với người bạn khiến chúng tôi bị ám ảnh thật sự.
Những cuộc tình nào sẽ diễn ra ở chốn này? - Ảnh: My Lăng
Bẫy tình
Tôi chợt nhớ đến lời khuyên của một người khách: ”Em làm nghề này khó có người yêu lắm. Không đàn ông nào đủ can đảm cưới một cô PR làm vợ!”.
Chính những cô gái làm PR cũng nhận ra sự thật ấy. Cô PR tên Hồng Nga từng tâm sự: “Nga sẽ cố gắng kiếm tiền thật nhiều trong thời gian nhanh nhất rồi nghỉ luôn. Phải nghỉ làm bar Nga mới dám tin tình cảm của người ta dành cho mình”...
Còn Minh Nguyệt, cô PR người Tây Ninh, nói như cảnh báo: “Em đừng ngây thơ tin rằng có tình yêu giữa PR và khách! Em nghĩ người ta dám yêu một cô gái làm cái nghề ôm ấp đàn ông, cho đàn ông rờ mó, đụng chạm như tụi mình không? Mà nếu có thương mình thì người ta cũng không dám tính tới chuyện nghiêm túc. Trừ khi em bỏ nghề!”.
Chỉ về hướng Hải Ly, cô PR mới 19 tuổi, Minh Nguyệt nói tiếp: “Nhỏ đó có người yêu làm phục vụ trong bar mình đó. Ổng hiền khô à, chứ ghen quá chắc khùng luôn”.
Trước đây, Hải Ly làm PR ở một bar quận 12. Chủ bar là bạn thân của cha Ly. Sau khi cha Ly mất, ông ta đưa cô vào bar làm PR. Từ đó Ly phải gọi người đàn ông đáng tuổi cha mình là “anh”. Cô phải khéo léo từ chối rất nhiều lần đề nghị “qua đêm” với “anh”. Ly và người yêu hiện giờ biết nhau từ khi còn ở quê.
“Khi vào đây làm PR tui gặp lại ảnh rồi nảy sinh tình cảm. Tụi tui yêu nhau gần bốn tháng rồi. Tối nào cũng thấy tui ôm ấp khách trước mặt, cho khách sờ soạng, rờ mó nhưng vẫn phải cười, tui hỏi ảnh có nghĩ gì không, ảnh bảo: “Đó là công việc của em. Anh không ghen, chỉ cần hết giờ làm em trở về là em của anh là được”. Nhưng mấy bữa nay tui thấy ảnh buồn. Ảnh bảo tui nghỉ làm, về quê chơi cho thoải mái rồi lên Sài Gòn đi học làm tóc cho đàng hoàng” - cô PR quê An Giang phụng phịu vừa kể vừa liên tục vuốt mái tóc nhuộm vàng khè.
Chợt Hải Ly bặm môi, nói mà giọng chùng hẳn: “Tui ráng tỏ ra bình thường vậy thôi chớ làm sao ôm ấp một thằng đàn ông lạ hoắc trước mặt người mình yêu mà bình thường nổi?! Nhiều bữa về tui khóc... Cứ nghĩ tới ánh mắt ảnh nhìn mình lúc bị một thằng khách “quậy” là tui chịu không nổi. Bà có thấy tui mất nết không? Yêu một người, thương một người nhưng lại ôm nhiều người lạ hoắc lạ huơ trước mặt người mình yêu. Cứ nhớ tới cái nhìn của ảnh thôi là tui muốn bỏ nghề về quê rồi. Nhưng không làm PR thì làm nghề gì kiếm nhiều tiền được như vậy? Tui còn phải nuôi mẹ và hai đứa em đang học đại học nữa”...
Đánh trúng tâm lý cần tiền của PR, nhiều người khách chơi trò “câu cá” bằng “mồi câu” rất ngọt ngào: luôn tỏ vẻ lịch sự, đàng hoàng, hay quan tâm cuộc sống của PR, cảm thông với công việc của họ và sẵn sàng giúp đỡ với đề nghị: em bỏ nghề PR đi, về công ty anh làm thư ký cho anh với mức lương đủ sống hoặc học một nghề nào đó, anh sẽ lo hết cho em tiền ăn học, thuê nhà...
Không ít PR mới vào nghề ngây thơ tin rằng “trên đời này còn có người tốt” và vội vã nghỉ việc. Họ sa ngay vào bẫy tình của người khách trải đời. Chỉ sau một thời gian ngắn, “người tốt” lộ nguyên bộ mặt thật. Không ít cô PR mới sinh con xong phải quay lại nghề PR cùng nỗi hận đàn ông thấu trời.
Có một nàng Lọ Lem...
“Hồi mới gặp Cúc, tôi không ấn tượng gì ngoài gương mặt bướng bỉnh. Cô ấy không đẹp và “rực lửa” như những PR khác. Nhiều PR muốn “bào” tiền sẽ tìm đủ cách nói chuyện, thậm chí nói toàn chuyện nhảm nhí. Nhưng Cúc khác, cứ đứng đó, mặt lạnh tanh. Tôi uống ly nào, Cúc uống ly đó” - Dũng, một doanh nhân trẻ có máu mặt trong ngành bất động sản Sài Gòn, kể.
Từ đó, mỗi lần vào bar Dũng chỉ gọi cô PR có gương mặt bướng bỉnh ấy “đứng bàn” để nói chuyện. Cúc không bao giờ gọi điện thoại mời anh vào đặt bàn để lấy doanh số.
Hơn hai tháng sau, họ yêu nhau. Dũng khẳng định: “Muốn thay đổi lối sống của Cúc như hồi còn làm PR thì phải thay đổi thói quen. Có lần nghe một bản nhạc các bar hay mở, Cúc huơ huơ ngón tay giật giật theo nhạc liền bị tôi nhắc nhở ngay”.
Yêu nhau một thời gian, Cúc bỏ nghề PR. Cô học cắt tóc ở một salon tóc nổi tiếng tại quận 1 và làm thêm ở một spa. Đúng lúc đó, tài khoản của Dũng bị bố mẹ “phong tỏa” vì muốn cậu quý tử đi du học. Dũng bị “giam lỏng” ở nhà. Công ty riêng của anh giải thể. Dũng gần như “trắng tay”.
Khi đó, dù đang ở căn phòng thuê nhỏ như nhà vệ sinh bên quận 8 (ngang 1m, dài 2m) nhưng Cúc vẫn gửi Dũng một phần tiền lương hằng tháng để anh chi tiêu lặt vặt.
Có lần Cúc được khách bo 20.000 đồng, cô hớn hở dẫn Dũng đi ăn hủ tiếu. Đó là lần đầu tiên chàng trai nhà giàu ngồi ở vệ đường ăn tô hủ tiếu - món ăn xa lạ với những nhà hàng sang trọng và đẹp như tranh mà Dũng đã quen từ nhỏ.
 “Vừa ăn tôi vừa sợ không đủ tiền nhưng lúc đó thấy rất hạnh phúc. Vì những lúc tôi khó khăn nhất người con gái ấy vẫn ở bên tôi, cùng sẻ chia mọi thứ trong cuộc sống mà không một lần than thở. Khi trong túi có nhiều tiền, tôi không dám tin ai. Nhưng lúc khó khăn, tôi thật sự tin vào tình cảm của người con gái mình yêu” - Dũng mỉm cười khi nhớ lại khoảng thời gian thử thách ấy.
Khi anh đưa Cúc đi giới thiệu bạn bè, nhiều người hỏi nửa đùa nửa thật: “Quen bao lâu thì bỏ?”. Họ đã yêu nhau hơn ba năm.
Người con gái Dũng yêu có một tuổi thơ không bình yên. 6 tuổi, Cúc và chị gái đi bán vé số. Khi bố mẹ chia tay, Cúc ở với cha. Rồi ông đi bước nữa. Cúc có thêm hai người em cùng cha khác mẹ. “Cúc rất có hiếu với cha mẹ và thương em. Cô ấy chưa bao giờ oán trách cha mẹ điều gì dù phải đi làm kiếm tiền nuôi hai em ăn học” - Dũng giải thích lý do mình yêu cô gái từng làm PR ấy.
Lần đầu tiên đưa Cúc về nhà, bố mẹ Dũng ít nói đến đáng sợ. Mặt lạnh băng. Lúc ăn cơm, họ vẫn giữ sự im lặng đến nghẹt thở ấy làm không khí bữa ăn như... chiến trận. Vừa bước chân ra khỏi cánh cổng hoành tráng kiên cố, Cúc bật khóc.
Dũng trầm ngâm khi nghe hỏi đến chuyện tương lai của hai người. Anh bảo: “Khi yêu Cúc, tôi coi quá khứ của cô ấy như một tờ giấy trắng. Điều quan trọng là hướng Cúc đến một tương lai tốt hơn với một lý lịch mới. Hãy để quá khứ ngủ yên nếu quá khứ ấy làm đau lòng người con gái tôi yêu. Tôi biết để gia đình mình chấp thuận còn cả chặng đường dài đầy khó khăn. Tôi đang thuyết phục bố mẹ và sẽ quyết tâm bảo vệ tình yêu của mình đến cùng”.
Nhiều PR không có kết thúc có hậu như vậy. “Họ chia tay sau một thời gian quen nhau vì người đàn ông không vượt qua được dư luận. Thật ra những cô PR càng tỏ ra bất cần đời, khinh miệt đàn ông lại là người rất dễ “gục” và yêu rất dữ dội. Nhưng đa số đàn ông đến với PR chỉ coi họ như kẻ lót đường, như một thứ tình tạm bợ thôi” - Linh khẳng định.
TT - Những quản lý cũ ở một bar tại quận Phú Nhuận hay nhắc đến H.Tr., một VIP “khủng” đến mức hóa đơn thanh toán mỗi lần đủ đảm bảo doanh thu cho một tổ PR cả tháng!
Tr. là một doanh nhân trẻ có máu mặt trong giới bất động sản ở Sài Gòn. Trước đây một tuần anh đi bar 3-4 ngày. Có lần Tr. kéo cả nhóm bạn vào bar, xếp bàn thành dãy chữ I ngay vị trí VIP (trước chỗ DJ chỉnh nhạc). Hóa đơn lên tới 37 triệu đồng!
Tri Đồng giờ là chủ tiệm làm tóc Đồng trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: My Lăng
Cú giật mình của một “tín đồ” bar
Tri Đồng, người một thời từng đi bar như cơm bữa, đã quyết tâm ở ẩn sau bảy năm ăn chơi đến nhẵn mặt tại các vũ trường, bar lớn nhỏ Sài Gòn. Hồi đó, Đồng là thợ cắt tóc có tiếng trong một salon tóc cao cấp ở quận 1. Làm bao nhiêu “nướng” hết vào vũ trường, bar bấy nhiêu. Một tháng đi 30 ngày. Đêm nào cũng vô 2-3 bar, vũ trường. Nơi này “out nhạc” thì kéo sang vũ trường khác. “Khi đã biết quá rõ về nó rồi thì ngán tới nỗi vô bar cũng không còn cảm giác gì nữa. Chán. Lo làm ăn” - Tri Đồng bảo.
Thật ra, một cú sốc lớn đã đột ngột ụp xuống cuộc đời của Đồng năm anh 27 tuổi. Do đêm nào cũng đi chơi bar, vũ trường tới tận sáng mới về, sức khỏe suy sụp, làm không đủ năng suất, không chất lượng, anh bị đuổi việc! Đó là khoảng thời gian hụt hẫng và khủng khiếp nhất trong trải nghiệm của Tri Đồng. Suốt một tháng thất nghiệp, anh không dám ra đường vì không có tiền. Ở nhà gặp người thân thì lầm lũi vì mặc cảm. Cuối cùng anh được một salon tóc khá lớn ở Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) nhận với vào làm mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Bốn năm sau. Tri Đồng là chủ một salon tóc trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận) với mười nhân viên. Trừ tất cả chi phí, mỗi tháng tiền lời chỉ tròm trèm 10 triệu đồng.
Tri Đồng chống cằm, đăm chiêu nói: “Hồi trước đi chơi “bung” tiền thoải mái, không hề suy nghĩ. Bây giờ sắp lập gia đình, tôi phải lo cho vợ và con cái mình sau này. Làm quần quật cả tháng trời mà “nướng” một khoản tiền lớn chỉ trong một đêm là quá phung phí. Trong khi chi phí thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên, đủ thứ chi phí khác... hằng tháng luôn làm tôi đau đầu tính toán. Tôi phải dành dụm từng ngày để mở thêm chi nhánh hoặc phát triển thành salon lớn ở trung tâm.
Nhiều lúc nghĩ lại thấy tiếc. Hồi đó mình ăn chơi bạt mạng quá. Đồng tiền bây giờ kiếm khó khăn chứ không dễ như trước”. Anh khẳng định: “Khi còn tiền thì còn bạn. Đi bar lúc nào cũng có nhau. Lúc mình trắng tay chẳng có đứa nào bên cạnh”.
Vòng luẩn quẩn
Không chỉ những khách chơi như Tri Đồng mà ngay cả những cô gái PR - người trong cuộc - cũng ngầm hiểu cái mong manh, mờ ảo của thế giới hào nhoáng, lộng lẫy và xa hoa về đêm này. Cái khắc nghiệt trong nghề không cần nói nhưng có lẽ PR nào cũng mơ hồ nhận ra hoặc biết rất rõ nhưng im lặng.
Đó là những lần say mềm lả người, nằm úp mặt xuống nền đất lạnh trong phòng locker; những cơn nôn ọe đến rát cổ để rượu ộc ra trong phòng vệ sinh mà một đêm ít nhất hai lần như thế. Có người ói ra máu nhưng hôm sau vẫn ráng đi làm. Có người bị bệnh đường ruột và viêm họng nên cứ làm tối nay, hôm sau lại bệnh và phải nghỉ làm. Bụng của tất cả PR ở đây rất to, hậu quả của những đêm nốc rượu, bia, nước ngọt tới bến.
Minh Nguyệt, cô PR lớn tuổi nhất ở một bar trên đường Huỳnh Văn Bánh, từng tâm sự với tôi: “Chị chỉ làm ở đây 1-2 năm nữa là tìm việc khác. Nghề này phá cơ thể dữ lắm. Bạn chị làm được bao nhiêu tiền giờ đi chữa bệnh đau dạ dày, chữa gan... cũng hết”. Nguyệt khuyên tôi chân thành: “Em làm một thời gian kiếm được ít tiền rồi nghỉ đi. Làm nghề này khó có người yêu lắm!”.
Nghe Nguyệt nói tôi nhớ đến một vị khách tốt bụng. Anh khuyên rất chân thành: “Môi trường này khắc nghiệt lắm. Muốn tồn tại, em phải dã man. Nhưng nhìn mặt em, anh biết em không sống dã man như người ta được. Có nhiều bar kinh khủng lắm. Nếu một khách quen, khách sộp của bar thích em thì em không có đường thoát đâu.
Chính những PR kể cho anh nghe cách họ làm với đồng nghiệp của mình. Chỉ cần uống xong nửa ly là em mệt mỏi, y như say xỉn không đứng bàn được. Khách sẽ nói với quản lý là đưa em về nhà nhưng chở thẳng tới khách sạn”.
Anh cảnh báo: “Em còn 4-5 năm đứng ở đây. Phải tranh thủ cơ hội tìm người đàn ông yêu thương mình rồi nghỉ, đừng làm PR nữa. Đến lúc 30 tuổi làm sao em được đứng ở đây. Em có nghĩ tới cảnh phải dạt ra làm gái bia ôm rồi cùng quá phải đứng đường? Em muốn mình như vậy à?“...
Tôi mang câu hỏi ấy đi tìm câu trả lời trong những cuộc trò chuyện với những PR. Họ né tránh bằng sự im lặng. Họ dửng dưng, bất cần bên điếu thuốc lá ngoằn ngoèo khói trắng vô định. Có người trả lời bằng một câu hỏi và sự buông trôi cuộc đời mình: “Không làm PR thì biết làm gì? Không có trình độ, làm ở đâu nhiều tiền như ở đây?”...
Quỳnh Thy, cô PR 21 tuổi, trong lúc tỉnh táo nhất sau một cơn say, trầm ngâm mơ hồ nói về viễn cảnh cuộc đời mình: “Nhiều khi nghĩ tới lúc mình già Thy thấy sợ. Lúc đó mình không còn đẹp, không đứng bar được nữa sẽ làm nghề gì? Ai nuôi mình và nuôi con? Thy ráng làm bar một thời gian rồi tiết kiệm tiền gửi ngân hàng. Làm tới lúc đủ để không phải lo khi ốm đau sẽ nghỉ làm, đi học nghề nail”.
Có không ít PR đã quyết tâm bước ra khỏi thế giới đầy ánh đèn lung linh ấy, rời xa những bộ trang phục lộng lẫy để tìm lại một tương lai chắc chắn. Như Thụy Lam, cô PR gốc Hà Nam, sau một thời gian làm ở bar dành dụm được một số tiền cô quyết định nghỉ việc. Lam góp tiền với người bạn mở một quán nhậu nhỏ ở quận Tân Phú. Nhưng sự thiếu tính toán và kỹ năng quản lý, cuối cùng toàn bộ số tiền tích cóp được cũng chỉ giúp quán nhậu của Lam cầm cự được nửa năm.
Giấc mơ làm chủ và làm lại cuộc đời bị phá sản. Lam quay lại nghề PR với cái vòng luẩn quẩn về lối đi cho tương lai mình.
“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và luôn tự hỏi tại sao mình lại làm PR nữa trước khi quyết định trở lại nghề này. Hồi xưa trước khi nghỉ ở bar, tôi đầy hi vọng khi tưởng tượng về tương lai mình. Nhưng toàn bộ số tiền tôi tiết kiệm được đã đổ sông đổ biển. Tôi không dám tin mình sẽ làm được cái gì nữa. Tôi biết làm gì đây để sống khi trong tay không có bằng cấp. Đến ngay cả xin làm phục vụ quán cà phê người ta cũng đòi trình độ 12/12. Chỉ còn làm PR bar, không cần bằng cấp nhưng thu nhập khá”, Thụy Lam liên tục bẻ ngón tay khi nói chuyện.
Phút nói thật của “kiều nữ”
TT - “Tôi tự lo thân mình từ năm 16 tuổi - cô PR bar 21 tuổi tên Quỳnh Thy chậm rãi kể về mình trong một góc tĩnh lặng ở quán cà phê quận 12 - Hồi trước tôi làm PR gần một năm ở một bar tại Q.12. Được bao nhiêu tiền tôi “nướng” hết vào chơi “đập đá”...”.
Phút đối diện với mình, mỗi người là một tâm trạng trong tấm gương cuộc đời... - Ảnh: My Lăng
Tôi khóc mà không biết vì sao!
Cô trầm ngâm rồi tiếp: “Gần một năm, tôi cặp với một người giàu có. Anh ta hứa sẽ lo cho tôi ăn học nếu tôi nghỉ làm bar. Sau một thời gian sống như vợ chồng, anh ta đột ngột biến mất. Khi tôi đang hạnh phúc nghĩ đến một tương lai tốt đẹp với một tình yêu đẹp thì anh ta đạp nát giấc mơ đó. Tôi hận đàn ông, nhất là đàn ông đi bar.
Hồi mới làm tôi bị một ông già sụ bóp ngực, tôi khóc từ bar về nhà. Kinh tởm quá! Nhưng có lần một chị PR làm trước tôi bảo đã làm cái nghề này chỉ cần có tiền “boa” là được. Nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy cũng có lý. Từ đó tôi cho khách sờ mó, đụng chạm thoải mái nhưng không đi khách.
Tôi giấu cả nhà chuyện mình làm ở bar. Mọi người nghĩ tôi chỉ đi bán cà phê. Riết rồi tôi cũng mặc cảm về cái nghề của mình. Chỉ nghe ai đó vô tình nhắc tới từ PR bar đã thấy nhột rồi. Từ lúc đi làm bar tôi hay khóc lắm. Khóc lúc đứng bàn, lúc cầm tiền boa. Khóc mà không hiểu tại sao mình khóc thì còn ai hiểu được mình...
Nhớ lại mấy lần sốt 2-3 ngày nhưng vẫn ráng đi làm, tôi thấy tội nghiệp chính mình. Cứ uống say lại lao xuống nhà vệ sinh móc tay vào họng cố ói rượu ra rồi lên đứng bàn tiếp. Làm cái nghề này phải say chứ không phải mình muốn say, không mê tiền cũng phải mê tiền. Quen cỡ nào thì quen nhưng khi vô bar đều là khách hết. Sau lưng họ, câu chuyện của chúng tôi về khách chỉ xoay quanh hai vấn đề: thằng nào dê xồm, thằng nào boa nhiều, thằng nào keo kiệt.
Ở trên bar, PR đẹp bao nhiêu, tươi tắn bao nhiêu thì phòng locker và nhà vệ sinh là nơi họ bộc lộ thật nhất diện mạo mình: mệt mỏi, rũ rượi, văng tục và cả nước mắt. Tôi sợ cái cảnh ôm xô ói đến mức ám ảnh. Tôi sợ phải ăn mì gói nóng để đỡ cảm giác say. Nhất là phải ăn chanh, ăn nhiều tới nỗi chát cả miệng và khàn cả tiếng để chống say phần nào và làm tỉnh rượu.
Nhiều lúc tôi rất lo lắng và sợ cho tương lai mình. Không lẽ tôi cứ say xỉn đến cắm đầu để lấy tiền sống như thế này mãi? Có lúc nghĩ tới cảnh mình già tôi thấy sợ. Lúc đó mình không còn đẹp, không đứng bar được nữa sẽ làm nghề gì? Ai nuôi mình? Rồi đời mình sẽ về đâu? Mà không làm PR thì mình sẽ làm nghề gì kiếm được nhiều tiền như thế?...
Tôi ráng làm bar một thời gian, tiết kiệm tiền gửi ngân hàng. Làm tới lúc đủ để không phải lo khi ốm đau sẽ nghỉ, đi học làm nail hoặc uốn tóc. Tôi muốn ngẩng cao đầu khi yêu một người đàn ông. Nhưng khi còn làm PR bar, tôi không tự tin vào chính mình, không dám tin vào tình cảm của người đàn ông mà mình thích. Cứ cho là tụi tôi mặt dày, là chai cảm xúc nhưng khi đã thương ai đó thật lòng làm sao không mặc cảm, không thấy tủi nhục khi phải ôm khách trước mặt người mình yêu?”.
Tôi chỉ buồn, không xấu hổ...
“Không có bar xấu, không có vũ trường xấu. Chỉ có khách đi chơi xấu, PR bar xấu mới làm môi trường này biến tướng - Thụy Vy, quản lý PR một bar ở Q.Phú Nhuận, khẳng định - Nghề PR bar cũng chỉ là một công việc bình thường như những ngành nghề khác. Hiểu đúng nghĩa thì PR bar, vũ trường là những nhân viên chăm sóc khách hàng, đứng nói chuyện và uống rượu với khách, làm cho khách cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Nhưng có những PR bar đã hiểu sai công việc của mình, cứ nghĩ cho khách ôm ấp, sờ mó, càng chiều khách càng được nhiều tiền. Còn khách thì coi PR bar như trò chơi giải trí, thậm chí coi PR như gái bia ôm nên làm xã hội nhìn nghề này chẳng ra gì.
Tôi làm PR bar từ năm 2003. Gia đình, bạn bè đều biết tôi làm PR. Trước đây trong đầu bố mẹ tôi, con gái làm PR giống như gái bia ôm! Tôi biết điều đó nên giấu một thời gian rồi mới dám nói. Bố mẹ tôi xấu hổ và tức giận lắm nhưng cuối cùng cũng tin tôi. Ngay trong lần đầu tiên ra mắt bố mẹ chồng (Vy sắp làm đám cưới với một người từng là khách ở một bar cô làm việc) tôi cũng không giấu. Thà nói thẳng ngay từ đầu để họ hiểu chứ cứ xì xầm tôi chịu không nổi. Chúng tôi kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, phải cực khổ đứng trên giày cao gót tám giờ, uống rượu bào cả ruột để kiếm tiền boa chứ có phải ngửa tay xin đâu.
Khi một người khách bảo tôi giới thiệu cho anh ta một vài em PR “đi chơi”, tôi lắc đầu bảo không biết. Anh ta nửa đùa nửa thật: “Em làm quản lý mà dở quá vậy?”. Tôi trả lời: “Em chỉ quản lý họ trong giờ làm việc, còn họ làm gì ngoài luồng em không biết được”.
Tôi hay nói với nhân viên của mình: PR bar không phải là nghề bán thân. Khách đi bar cũng vậy, rất nhiều dạng, nhiều thành phần. Không phải ai cũng xấu xa, bầy hầy. Tôi đã có nhiều người bạn từng là khách nhưng giờ thân thiết như anh em trong nhà. Họ quý tôi dù tôi không sà vào lòng họ, không chiều chuộng khách như nhiều PR bar khác. Tôi vui vẻ, cởi mở với khách nhưng luôn có một khoảng cách để họ tôn trọng mình. Thật ra nhiều khách đi bar chỉ để xả stress, để thoải mái, vui vẻ thôi. Nếu uống rượu, nghe nhạc mà có một cô gái dễ thương đứng nói chuyện sẽ rất vui. PR phải làm cho họ hiểu và tôn trọng công việc của mình.
Thu nhập của một quản lý PR như tôi trung bình trên 15 triệu đồng/tháng. Với một người không bằng cấp, thu nhập như thế rất cao. Tôi ráng làm tới tết rồi nghỉ, sau đó sinh con. Tôi dành dụm được ít tiền sẽ buôn bán thứ gì đó. PR chỉ kiếm ra tiền khi còn trẻ đẹp thôi.
Lấy chồng xong tôi sẽ đi khám tổng quát. Tôi bị gai cột sống vì đi giày cao gót nhiều quá. Đã thế mỗi lần xỉn là nằm lăn lóc dưới nền đất lạnh. Ai làm cái nghề này lâu cũng bị bệnh về mắt, cột sống, tai và đường ruột. Bụng ai cũng to như có thai 2-3 tháng vì uống rượu bia nhiều quá. Có bar khách quậy quá, hút thuốc lá phà vào mặt. Tối về nhà thấy đầu tóc, áo quần, tay chân khét lẹt mùi thuốc lá! Suốt cả tuần cứ gần 3g-4g sáng mới ngủ được. Đi trên đường cứ bồng bềnh, lâng lâng, không biết mọi người xung quanh đang nói gì.
Nhà tôi ở Bình Dương. Đêm nào cũng 2g sáng mới chạy về. Sau lần bị cướp xe, cứ nghe tiếng xe chạy gần mình là tim tôi đập thình thịch. Nhiều đêm say đến rũ người trên xe mà vẫn phải chạy. Nhiều đêm tỉnh táo tôi cắm đầu phóng như điên vì sợ bị cướp. Nhiều đêm đội mưa gió đi về, vừa lạnh vừa đói, nghĩ tới cảnh người ta đang ngủ trong chăn êm nệm ấm, tôi tủi thân khóc suốt dọc đường...”.
Tâm sự một “ngôi sao” PR
TT - 9g tối. Hẹn gặp tôi ở một... quán nhậu (chứ không phải quán cà phê) trên đường Hoàng Sa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Minh Trang nói thật: “Chỉ khi có hơi men tôi mới nói về công việc mình từng làm được. Lúc tỉnh táo nhớ lại buồn lắm...”. Trang chuẩn bị thi tốt nghiệp. Cô là sinh viên năm cuối ngành tài chính - tín dụng một trường cao đẳng có tiếng.
Tuổi trẻ của mình rất ngắn và không thể giam hãm mãi trong chốn này... - Ảnh: My Lăng

“Ngôi sao” cô đơn

Trang sinh năm 1989. Cô không phải là chân dài, cũng không đẹp rực rỡ. Nhưng Trang có nụ cười tươi tắn, trong trẻo. Kiểu nói chuyện của Trang có chút dễ thương của trẻ thơ và sự thông minh chững chạc. Cô biết cách khơi gợi để người đối diện cởi mở, chia sẻ. Điều đó lý giải tại sao cô PR bar sinh viên này trở thành “sao” ở tất cả những nơi cô làm.
Nhiều khách đến bar chỉ để được ngắm và nói chuyện với Trang. Mỗi lần cô chuyển chỗ làm thì ngay lập tức bar nơi cô vừa ra đi sẽ mất một nguồn doanh thu, còn nơi cô đến sẽ có một lượng khách sộp xuất hiện!
Trang mở lòng bằng nụ cười buồn:
- PR bar là những người đi bán nụ cười, mang niềm vui cho người khác và giấu nỗi buồn của mình. Người ta giàu có vô bar quăng tiền, còn chúng tôi thì lượm những đồng tiền đó. Nghề PR bar phải nhìn mặt khách mà sống: khách cười thì cười theo; khách buồn phải làm cho người ta vui; khách im lặng hoài thì căng đầu suy nghĩ phải nói gì để người ta chịu nói, chỉ cần một, hai câu cũng thấy nhẹ lòng rồi.
Nhưng có người khách nào để ý biết PR buồn hay vui! Họ chỉ biết cảm giác của mình thôi. Nếu họ biết chúng tôi rã rời, tủi thân và khóc... như thế nào trong nhà vệ sinh thì họ có nỡ làm những hành động thô thiển nữa không? Họ nghĩ gì nếu biết chúng tôi bị ép uống say mèm, cố móc họng ói cho ra rượu rồi đi như lết lên bar mà mặt vẫn tươi tỉnh, ráng uống tiếp để lấy tiền “boa” của họ?...
Phần lớn khách chỉ nghĩ họ bỏ tiền vô bar mua rượu, uống bia thì những PR như chúng tôi phải làm cho họ vui vẻ. Họ tha hồ “giở trò”. Tủi nhất là khách coi PR như một món hàng, đồ chơi, thản nhiên lựa chọn. PR đứng một hàng dài. Khách chỉ mặt người này người kia như lựa từng con cá! Khi nói chuyện về PR, họ gọi chúng tôi là con PR này, con PR nọ chứ không phải cô Lan cô Linh nào đó.
Khách đi bar trong mắt tôi chỉ có hai dạng: đàng hoàng và không đàng hoàng. Tiếp xúc với nhiều người ở đủ lứa tuổi, thành phần, tính cách... tôi hụt hẫng nhiều lắm. Có những người nhìn rất trí thức, làm cái nghề được xã hội tôn trọng là thầy giáo mà cũng chẳng ra thầy. Ai ngờ sau giảng đường, khi bước vô bar người thầy gần 50 tuổi ở một trường đại học nổi tiếng lại văng tục, nói những câu rất gợi dục.
Khi biết tôi là sinh viên đi làm kiếm tiền học, tôi đã xưng là “con” và gọi bằng “thầy” nhưng vẫn rủ tôi đi khách và làm những hành động không thể có ở một người thầy. Nhưng không phải người nào cũng thế. Có những vị khách rất tôn trọng chúng tôi, xem như em trong nhà hoặc như bạn bè. Họ chỉ uống và nói chuyện phiếm như một cách giải tỏa áp lực cuộc sống. Có người khách còn tạo điều kiện cho tôi học hành, giới thiệu chỗ thực tập trong ngân hàng...
Trở thành “sao” thích, vui nhưng tủi và buồn lắm. Nhiều bữa tôi chạy sô quá trời bàn trong khi những PR khác đứng chơi. Người ghét tôi thì nhìn với ánh mắt đố kỵ. Người hiểu tôi thì nhìn vẻ thương xót. Nhiều bữa khách giành giật tôi, đòi tôi đứng bàn của họ. Rượu, coca, bia... trộn lẫn ngập ứ trong dạ dày. Tôi say mèm, nhảy rất sung, la ó cứ như con hề làm trò vui cho thiên hạ nhìn và cười.
Làm nghề này rất dễ sa ngã. Đáng sợ là sa ngã không phải chỉ vì lý do khách quan mà còn vì chính bản thân PR. Mãnh lực đồng tiền kinh khủng lắm. Quan trọng nhất là mình phải kiên định ngay từ đầu. Có người đưa trước ngay tại bar vài triệu đồng cho một lần “đi chơi”, nói sẽ gửi thêm. Không bao giờ tôi nhận lời “đi chơi” như vậy.
Tôi nghĩ công việc của mình là bán sức khỏe, bán nụ cười, bán lời ăn tiếng nói chứ không phải bán thân. Tôi cũng không dám tin 100% vào khả năng chống đỡ trước cám dỗ của đồng tiền nên ở nhà là an toàn nhất. Tủi thân nhất là mỗi đêm khuya chạy xe về một mình, lạnh, cô đơn, lẻ loi. Tôi cứ tưởng tượng người mình yêu thầm sẽ chạy theo bảo vệ mình rồi ngoái lại đằng sau. Nhưng chẳng có ai trên con hẻm vắng vàng vọt ánh đèn cao áp ấy...
Không ai hiểu và thông cảm cho PR bằng chính PR. Có lần tôi dẫn nhóm bạn cùng lớp vào bar chơi. Kể từ đó họ xa lánh và nhìn tôi với ánh mắt kỳ thị. Họ xì xầm rỉ tai những người khác trong lớp là... tôi làm gái!
Không thể để tuổi trẻ chết mòn...
Ở ngoài tôi rất teen. Nhưng trong bar tôi như một người khác hẳn: chững chạc, không hiền cũng không dữ. Vô môi trường này phải “cứng” chứ yếu quá sẽ bị ăn hiếp ngay! Nói chuyện với khách mà tỏ vẻ ngây thơ thì khách sẽ nói mình giả nai nên phải chững chạc, nửa thật nửa giả.
Bố mẹ chỉ biết tôi làm ở quán ăn. Bố tôi có hai vợ, suốt ngày say xỉn và chửi mắng. Thu nhập quá bấp bênh của mẹ tôi không đủ chi tiêu cho gia đình. Thương mẹ quá, tôi không dám ngửa tay xin tiền tiêu xài lặt vặt. Tôi xin làm PR ở bar LB (Q.3) khi chuẩn bị nhập học. Thật ra công việc này đã cho tôi rất nhiều thứ: có tiền ăn học, giúp gia đình, có nhiều mối quan hệ tốt, tự tin hơn khi giao tiếp chứ không nhút nhát như trước, khả năng nói tiếng Anh tốt hơn vì ở những bar bên Q.1 tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với khách là người nước ngoài.
Tôi đang đi học và có nhiều khách nên được quản lý du di. 5g chiều học xong là lật đật chạy về nhà tắm rửa, không dám ăn cơm, chạy tới chỗ làm đã 7g tối. Bụng lép kẹp nhưng nốc toàn hỗn hợp rượu - coca - bia - trà đá rồi lại “hò”, mệt lử! Tới 1g sáng mới được về. Về nhà chỉ lăn ra ngủ, không ăn uống nổi. Nhiều bữa tôi không còn sức tẩy trang, ngủ thiếp đi. 6g30 sáng đã chạy xe đi học.
Tôi làm PR là để lấy ngắn nuôi dài. Đến lúc nhận ra việc học quan trọng hơn kiếm tiền thì tôi dừng lại, tập trung học và thi tốt nghiệp. Tôi không dám để tuổi trẻ mình chết mòn trong môi trường này: tiền nhiều mà tai tiếng cũng nhiều. Sau hai tháng trở lại làm sinh viên, nhìn lại khoảng thời gian ba năm qua tôi mừng và sợ. Mừng vì mình không sa ngã. Sợ vì nghĩ lỡ một phút mềm lòng thôi là tôi đã rất khác rồi. Niềm tin trong tôi bị đánh mất nhiều quá. Giờ nghĩ lại tôi thấy thương những cô PR. Họ không trình độ, cứ sáng ngủ tối làm PR, tương lai mù mịt, mơ hồ...
Tôi còn có tuổi trẻ, có học hành và cả một tương lai. Chính những lúc khó khăn nhất là lúc tôi thấy mình mạnh mẽ nhất để chiến thắng nghịch cảnh cuộc đời. Tôi tự hào, trong bất cứ ngành nghề nào, bản thân người trẻ phải quyết định được vị trí và sự lựa chọn giá trị của mình. Tôi luôn tin như vậy!
Phận “kiều nữ” - Kỳ cuối: Lặng lẽ một chữ tình...
TT - Cho đến khi hoàn thành loạt bài này, tôi vẫn còn sợ cái cảm giác đau nhừ đốt sống lưng khi đứng trên đôi giày cao gót suốt tám giờ. Sợ những đêm về đặt lưng xuống mà những chùm ánh sáng chấp chíu sáng lóa cứ nhức nhối mắt. Sợ những đêm vắng mà đầu cứ ong lên những tiếng o o đều đều đến nỗi cảm giác thanh âm ấy ngang như một đường thẳng. Bụng cứ nóng râm ran suốt ngày hôm sau.
Có những phút sự san sẻ đến từ những nơi như thế này... - Ảnh: My Lăng
Trong thế giới nhập nhòa thật - ảo, xa hoa, hào nhoáng và tưởng chừng thực dụng đến trần trụi đó vẫn le lói ánh sáng của những đốm lửa mang hơi ấm tình người, soi rọi tâm hồn con người ấm áp hơn, trong lành hơn.
Nhiều PR luôn giữ vẻ lạnh lùng, bất cần. Họ dường như cố gồng lên tỏ ra “chị đại” (chị lớn) xù lông gai góc bảo vệ mình trong môi trường phức tạp này. Rồi họ lặng lẽ yêu thương, quan tâm nhau cũng trong vỏ bọc lạnh lùng ấy. Đôi mắt dịu dàng và sự lo lắng hiển hiện trên gương mặt đã lộ ra những cảm xúc thật nhất, nhân bản nhất trong sâu xa mỗi con người tưởng như chỉ biết có đồng tiền này.
Tôi đã hai lần được ăn mì gói và muối trộn ớt trong... nhà vệ sinh sau 12g đêm cùng họ. Thấy tôi mệt mỏi, liêu xiêu bước vào, những PR bar đang ngồi chồm hổm ăn mì gói hỏi thăm: “Em đói hả? Lại đây ăn mì gói nè”. Mì chưa chín hẳn nhưng đó là tô mì đặc biệt nhất từ trước tới giờ tôi được ăn.
Trong những ngày cuối cùng làm ở một bar trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, khi tôi nói bâng quơ: “Chắc em nghỉ làm xin việc khác, chứ uống rượu bia và thức đêm nhiều quá em chịu không nổi”, nhiều PR nhìn tôi bằng ánh mắt đầy lo lắng và cảm thông. Nhật Hoa ôm lấy tôi nói với thái độ rất chân thành: “Chị thấy em mong manh và hiền quá, không hợp với chỗ này. Em đã xin được ở đâu chưa mà tính nghỉ?”.

Khi tôi xin nghỉ, quản lý nhìn tôi bằng ánh mắt thân thiện, hỏi: “Có đứa nào ăn hiếp em phải không? Em nói đi, chị sẽ nói chuyện với nó ngay”. Chị trầm ngâm lắng nghe và tỏ vẻ thương cảm khi tôi trình bày lý do không phù hợp sức khỏe của mình.
Có lần khi thấy tôi đứng bàn với một nhóm khách trẻ, quản lý ghé qua nói nhỏ: “Nhóm này uống dữ lắm. Em nhắm thấy uống không nổi thì nói khéo là hơi mệt, không uống được hoặc xin rút ra nghe”...
Tôi có thiện cảm hơn với “má mì” sau lần một người khách quen của bar bất ngờ rủ tôi ra ngoài “đi chơi”.
Lúc đó đã hơn 12g đêm! Khi tôi từ chối, khách kỳ kèo với giọng đầy thách thức: “Đi chơi lát anh đưa em về, quản lý làm gì dám la em!”. Tôi liếc mắt nhìn “má mì” cầu cứu. Chị giả bộ làm mặt nghiêm, giải thích: “Em nó đang trong giờ làm không được ra ngoài anh à. Đây là quy định của bar, anh thông cảm...”.
Với những cô gái làm nghề PR bar có quá nhiều mâu thuẫn trong họ. Họ thèm khát niềm tin nhưng luôn hoài nghi. Họ cần tiền, muốn kiếm thật nhiều tiền đến mức sẵn sàng chiều khách nhưng cũng không ngại ngần dúi vào tay bạn mình 50.000 đồng khi người đó bị “lốc” (không có tiền “boa”).
Họ cười ngạo nghễ, khinh mạn khi nhắc về đàn ông, họ tỏ ra bất cần tình yêu nhưng lại khao khát tìm được một người đàn ông thật lòng yêu mình. Có những người muốn rời xa môi trường này để định hình cho mình một tương lai vững vàng nhưng lại không đủ can đảm “đoạn tuyệt”.
Có người trong cơn say đã gọi điện thoại tâm sự như trút hết gan ruột với nỗi cô đơn, mất phương hướng về cuộc đời mình. Cô gặp tôi chỉ để lang thang quanh thành phố, gục đầu vào lưng một người con gái khác, tìm hơi ấm và chút bình yên...
MY LĂNG

1 nhận xét:

  1. nhung nguoi dan ong kia khong dang de tin nhung dong tien ho bo ra thi co the tin tinh cam khong the thay nhung tien bac o ngay truoc mat lam pr khong xau nhung ai lam nghe nay cung deu co hoan canh rieng nhung khong ai biet cam thong cho ho chi co nhung nguoi trong nghe hieu nhau va yeu thuong bao boc nhau thoi

    Trả lờiXóa