Trân Văn, phóng viên đài RFA
2010-04-06
Tổng cục 2 của Bộ Quốc phòng Việt Nam là một cơ quan nổi tiếng không phải do năng lực hoặc thành tích trong lĩnh vực tình báo quân sự mà chỉ thuần túy là vì nhiều tai tiếng.Suốt thập niên vừa qua, tuy đã có khá nhiều cán bộ lão thành, sĩ quan cao cấp cũng như trung cấp đã nghỉ hưu, hoặc đang tại ngũ cùng lên tiếng, yêu cầu giải quyết dứt điểm những vụ tai tiếng ấy, song cả Đảng CSVN lẫn chính quyền và giới lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn bất động. Mãi đến gần đây, giới hữu trách mới thực hiện hành động có thể xem là đầu tiên trước một chuỗi phản ứng đáng chú ý, về những vụ tai tiếng kéo dài liên quan đến Tổng cục 2. Hành động đầu tiên đó là gì? Mời qúy vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường thuật...
“Siêu quyền lực” nên sai phạm “siêu nghiêm trọng”
Cơ quan tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam vốn là một bộ phận trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam và thường được gọi là Cục 2. Năm 1995, Cục 2 đột nhiên được nâng lên thành Tổng cục 2 và trở thành ngang hàng với Bộ Tổng Tham mưu.Năm 1996, với tư cách Chủ tịch Quốc hội, ông Nông Đức Mạnh, ban hành Pháp lệnh Tình báo và theo đó, vai trò của Tổng cục 2 đã vượt khỏi tầm quản lý của Bộ Quốc phòng. Tổng cục 2 được xác định là “lực lượng trọng yếu, tin cậy, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng CSVN, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ”.
Vậy Tổng cục 2 đã làm được những gì? Thành tích lớn nhất của Tổng cục 2, được nhiều công thần của Đảng, nhà nước và quân đội Việt Nam nhắc đi, nhắc lại, suốt từ cuối thập niên 1990 đến nay là hai vụ Sáu Sứ và T4.
Ông Bùi Tín - cựu Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, người theo dõi rất sát các diễn biến liên quan đến Tổng cục 2, tóm tắt về vụ Sáu Sứ: Vụ Sáu Sứ còn gọi là vụ Năm Châu, xảy ra từ Đại hội 7, năm 1991. Vụ đó do bàn tay của Tổng cục 2, bố trí cho một số Đảng viên lâu năm ở miền Nam là Năm Châu và Sáu Sứ ra Hà Nội, mục đích để giăng bẫy ông Võ Nguyên Giáp, rồi từ đó, kết luận là ông Võ Nguyên Giáp bè phái, tham quyền, có ý đồ tập trung một số tay chân của mình để lật đổ Bộ Chính trị và chính quyền hồi đó. Thế nhưng tất cả những chuyện này là chuyện dựng đứng. Do đó mà ông Giáp yêu cầu phải làm rõ vụ Năm Châu và Sáu Sứ. Lúc ấy, họ cho rằng ông Giáp có ý định giành quyền Tổng bí thư và được ông Trần Văn Trà tiếp sức. Ông Trần Văn Trà định là giành chức Bộ trưởng Quốc phòng. Thế nhưng tất cả những cái đó đều là sự bịa đặt của Lê Đức Anh, của Nguyễn Chí Vịnh, của Đỗ Mười, để làm hại ông Võ Nguyên Giáp. Đấy là tóm tắt vụ Sáu Sứ với Năm Châu. Cả ông Năm Châu, bà Sáu Sứ đều đã chết rồi.
Còn vụ T4? Ông Bùi Tín kể tiếp: Vụ T4 là vụ Nguyễn Chí Vịnh, cầm đầu Tổng cục 2 bịa đặt rằng họ đã đặt được một gián điệp của Việt Nam vào cơ quan CIA và điệp viên đó có bí danh là T4. T4 thông báo danh sách những người đã cộng tác với CIA, đã tiếp xúc với CIA, đã làm tay sai cho CIA. Danh sách đó dài lắm. Nó lên tới hơn 20 người. Trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà rồi những người lúc bấy giờ đang còn tại chức như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, bà Võ Thị Thắng,.. Mục đích của họ là gì? Mục đích của họ là bôi nhọ những người đó, rồi Tổng cục 2 cùng với Lê Đức Anh và Đỗ Mười được nước láng giềng lớn giúp đỡ làm một cuộc đảo chính, lật đổ hết và dựng lên một chính quyền mới, một Bộ Chính trị mới, một Ban Chấp hành Trung ương hoàn toàn mới và hoàn toàn là tay sai của Bắc Kinh. Đó là mưu đồ của T4 và cũng đã bị ông Giáp tố cáo, yêu cầu phải giải quyết một cách triệt để.
Bất khả xâm phạm
Trong nhiều thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng CSVN, tướng Võ Nguyên Giáp gọi Tổng cục 2 là một tổ chức “siêu đảng, siêu chính phủ, phá hoại Đảng một cách có hệ thống” và yêu cầu xử lý nghiêm minh. Ngoài tướng Giáp, còn có hàng loạt công thần của đảng, nhà nước và quân đội Việt Nam như các ông: Phạm Văn Xô – một trong những lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Nguyễn Quyết, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Thượng tướng Phùng Thế Tài, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Trung tướng Đồng Văn Cống, Trung tướng Lê Tự Đồng, Trung tướng Phạm Hồng Sơn, Trung tướng Nguyễn Hoà, Thiếu tướng Nguyễn Tài, ông Nguyễn Văn Thi... nêu quan điểm và yêu cầu tương tựTuy nhiên các sai phạm đã xảy ra tại Tổng cục 2, như tướng Nguyễn Nam Khánh - một trong những người được Bộ Chính trị Đảng CSVN phân công theo dõi công việc bảo vệ chính trị nội bộ, nhận định: Tổ chức thu thập tài liệu và theo dõi cán bộ cao cấp, tổ chức cơ sở làm tài liệu giả, vu cáo nhiều đồng chí là đã làm tay sai cho địch. Người của Tổng cục 2 đã bán kế hoạch phòng thủ bầu trời cho nước ngoài. Người của Tổng cục 2 làm parabol để thu tiền bất hợp pháp, gian lận thuế giá trị gia tăng. Người của Tổng cục 2 còn đưa tài liệu lên mạng Internet nói xấu cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Tổng cục 2 đã sử dụng một số người phức tạp, cài cắm người vào các cơ quan Đảng, Nhà nước để lấy tin, tung tin, bịa đặt, lừa dối Đảng… Cán bộ tình báo quân sự còn cấp giấy chứng minh quân báo cho tay chân Năm Cam hoạt động và liên hệ chặt chẽ với tay chân Năm Cam... vẫn không được xử lý.
Hai nhân vật chính trong những vụ tai tiếng này là tướng Đặng Vũ Chính – Tổng cục trưởng Tổng cục 2 được cho về hưu, con rể tướng Chính là tướng Nguyễn Chí Vịnh được chọn để thay cha vợ đảm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục 2.
Cuộc đối đầu giữa các cán bộ lão thành cách mạng, các tướng lĩnh cao cấp, với giới lãnh đạo đương nhiệm trong việc xử lý những sai phạm của Tổng cục 2 đã lan sang giới sĩ quan trung cấp đang tại ngũ, kể cả những sĩ quan đang làm việc tại Tổng cục 2.
Cuối năm 2008, ông Vũ Minh Trí, một trung tá làm việc tại Cục Kỹ thuật của Tổng cục 2, lên tiếng tố cáo thêm hàng loạt sai phạm ở cơ quan tình báo quốc phòng.
Đơn tố cáo của trung tá Vũ Minh Trí là lý do khiến sáu tháng sau, tướng Giáp viết hai lá thư, một gửi cho hai cựu Tổng bí thư Đảng CSVN là ông Đỗ Mười và ông Lê Khả Phiêu, một gửi các thành viên của Bộ Chính trị, để cùng cảnh báo: Tình hình đang cực kỳ nguy hiểm đối với Quân đội, đối với Đảng!
Sau ba lá thư vừa kể, giới lãnh đạo đương nhiệm của đảng, của chính quyền và của quân đội bắt đầu hành động. Trong bài tới chúng tôi sẽ tường thuật thêm về những hành động này.
●●●
Những vụ tai tiếng liên quan đến Tổng cục 2, thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam được nhiều cán bộ lão thành cách mạng, tướng lĩnh cao cấp xem là “siêu nghiêm trọng”.
Và họ đã đồng thanh lên tiếng suốt hàng chục năm, yêu cầu giới lãnh đạo đương nhiệm phải giải quyết triệt để, và gần đây, có những dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo đương nhiệm đã bắt đầu hành động.
Lũng đoạn toàn bộ hệ thống?
Một số người theo dõi sát tình hình chính trị tại Việt Nam cho biết, từ cuối thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000, hàng loạt cán bộ lão thành cách mạng, cũng như tướng lĩnh cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi hàng trăm lá thư, yêu cầu giới lãnh đạo đương nhiệm xử lý dứt điểm các sai phạm ở Tổng cục 2, song giới này không hề hồi âm hoặc đáp ứng.
Hầu hết những người từng lên tiếng yêu cầu xem xét, xử lý các sai phạm xảy ra ở Tổng cục 2, trong giai đoạn từ cuối thập niên 1990, đến giữa thập niên 2000 như: ông Phạm Văn Xô, Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Trung tướng Đồng Văn Cống, Trung tướng Nguyễn Hoà,... đều đã qua đời, phần lớn những người còn lại thì già yếu, bệnh tật.
Những sai phạm liên quan đến Tổng cục 2, cũng như các yêu cầu chấn chỉnh tổ chức này, tưởng chừng sẽ chìm sâu như nhiều vụ việc động trời khác thì lá thư ghi ngày 16 tháng 12 năm 2008, của Trung tá Vũ Minh Trí, làm việc tại Cục Kỹ thuật của Tổng cục 2, lại khiến dư luận bùng lên.
Trong thư, Trung tá Trí tố cáo, thay vì thực hiện công tác tình báo quân sự thì Tổng cục 2 tiếp tục tổ chức nghe lén, theo dõi, thu thập thông tin về nhiều cán bộ cao cấp của cả đảng, chính phủ lẫn quân đội, tung tin giả để lũng đoạn nội bộ. Chưa kể, Tổng cục 2 đang dùng các kế hoạch, hoạt động điệp báo để bòn rút công quỹ, nếu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán một cách chặt chẽ, chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều vụ tham nhũng lớn, nhiều tên tham nhũng lớn.
Điểm đáng chú ý nhất là theo Trung tá Trí, Tổng cục 2 đã thành lập ba đoàn “Tình báo hành động” ở quy mô lữ đoàn, được trang bị vũ khí, thiết bị đặc chủng, kèm thiết giáp. Thay mặt nhiều đồng đội, Trung tá Trí nêu ra một số thắc mắc. Chẳng hạn: Thực chất của các đoàn “Tình báo hành động” là gì? Chúng nhắm vào đối tượng tác chiến nào?
Trong giai đoạn từ cuối thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000, khi lên tiếng yêu cầu xem xét, xử lý dứt điểm các sai phạm xảy ra ở Tổng cục 2, nhiều cán bộ lão thành cách mạng, cũng như tướng lĩnh cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhắc đến vai trò và trách nhiệm của ông Lê Đức Anh, cựu Đại tướng, cựu Tổng Tham mưu trưởng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, cựu Chủ tịch Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Tên của ông Lê Đức Anh không chỉ xuất hiện trong những tài liệu liên quan đến Tổng cục 2. Một số người cho rằng, cần đối chiếu các tài liệu liên quan đến Tổng cục 2 với một số tài liệu khác và điều đó có thể góp phần lý giải câu hỏi, vì sao các sai phạm của Tổng cục 2, tuy kéo dài hơn một thập niên, gây bất bình sâu rộng nơi cán bộ, đảng viên cả trong, lẫn ngoài quân đội nhưng vẫn không thể xử lý đến nơi, đến chốn.
Trong những tài liệu được đề cập, chẳng hạn như “Hồi ức và suy nghĩ” của ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, ông Lê Đức Anh chính là người chỉ đạo toàn bộ quá trình “bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc”. Quá trình “bình thường hoá” này bất thường tới mức, trong “Hồi ức và suy nghĩ”, ông Trần Quang Cơ phải than: Xin ý kiến đối phương và hướng giải quyết vấn đề để đàm phán trước khi đàm phán, thật là chuyện có một không hai trong lịch sử đối ngoại!...
Lờ tướng, xử tá
Lá thư ghi ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Trung tá Vũ Minh Trí không chỉ khiến dư luận xôn xao. Lá thư này còn là nguyên nhân khiến tháng 6 năm ngoái, tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục viết cùng lúc hai lá thư, gửi hai cựu Tổng bí thư Đảng CSVN là các ông: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và các thành viên đương nhiệm trong Bộ Chính trị, bày tỏ sự bất bình về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Vịnh làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tướng Giáp yêu cầu giải quyết những sai trái một cách kiên quyết, triệt để, đúng nguyên tắc, nhằm bảo vệ quân đội, bảo vệ đảng, bảo vệ độc lập tự chủ của đất nước. Đồng thời nhắc nhở “cần chú ý bảo vệ người tố cáo”.
Giới lãnh đạo đương nhiệm của cả đảng, chính quyền lẫn quân đội Việt Nam tiếp tục giữ sự im lặng và bất động cho đến tám tháng sau.
Theo báo chí Việt Nam, hồi đầu tháng 2 vừa qua, ông Phùng Quang Thanh, đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng đã đến Quân Y viện 108, thăm tướng Võ Nguyên Giáp. Báo chí Việt Nam tường thuật rằng: Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bày tỏ mong muốn Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn luôn mạnh khoẻ, trường thọ, tiếp tục có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và sự trưởng thành phát triển của QĐND Việt Nam.
Sáu ngày sau, hôm 10 tháng 2 năm 2009, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Tổng cục 2 ban hành cùng lúc hai quyết định, tước quân hàm sĩ quan và khai trừ Trung tá Vũ Minh Trí ra khỏi Đảng CSVN, vì: Đã tố cáo sai đối với Đảng ủy Tổng cục 2 và đồng chí Nguyễn Chí Vịnh, gửi đơn tố cáo đến một số nơi không có chức năng xem xét giải quyết và nội dung tố cáo đã đưa lên Internet làm lộ bí mật một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tình báo Quốc phòng Việt Nam... Vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, kỷ luật của Quân đội.
Sau hàng trăm lá thư của hàng loạt cán bộ lão thành cách mạng, cũng như tướng lĩnh cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam yêu cầu giới lãnh đạo đương nhiệm xử lý dứt điểm các sai phạm ở Tổng cục 2, đây là lần đầu tiên giới lãnh đạo đương nhiệm của đảng, chính quyền và quân đội Việt nam có hành động đáp ứng. Cho dù hành động đó đi ngược lại mong muốn của những người gửi đơn.
Chúng tôi đã phỏng vấn Trung tá Vũ Minh Trí, người từng lên tiếng tố cáo và mới bị xử lý:
Trân Văn: Thưa ông chúng tôi được biết là Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Tổng cục 2 vừa có hai quyết định kỷ luật ông, ông có thể cho biết hai quyết định này có những nội dung gì không ạ?
Trung tá Vũ Minh Trí: Ông vừa nói rằng là các ông đã có văn bản ấy rồi cho nên tôi nghĩ cũng không cần phải nhắc lại.
Trân Văn: Và ý kiến của ông về các quyết định kỷ luật này như thế nào ạ?
Trung tá Vũ Minh Trí: Ông cũng vừa nói là ông đã có ý kiến của tôi, không biết là ý kiến ở chỗ nào, đúng không ạ (?). Thực ra thì nếu mà ý kiến đấy có chữ ký của tôi thì chắc là ý kiến chính thức vì cũng có người đã hỏi tôi và tôi đã trả lời. Thế cho nên nếu mà ông có văn bản thì tôi nghĩ cũng không cần phải trả lời. Ông có thể trích nguyên văn bản mà ông đã có trong tay.
Trân Văn: Thưa ông, trong văn bản ghi ý kiến của ông, ông có cho biết rằng còn rất nhiều tồn tại chưa được giải quyết và ông sẽ tiếp tục đấu tranh để làm rõ những sai phạm đã xảy ra ở Tổng cục 2. Với cách tiếp nhận và giải quyết những khiếu nại, tố cáo của ông và với những gì xảy ra với ông trong thời gian vừa qua, vì sao mà ông quyết định vẫn phải tiếp tục đấu tranh?
Trung tá Vũ Minh Trí: Khi định làm việc gì thì người ta đều đặt ra mục đích cuối cùng. Tôi thì chưa đạt được mục đích cuối cùng của tôi nên rõ ràng là tôi phải tiếp tục công việc.
Trân Văn: Thưa ông, mục đích cuối cùng của ông là gì?
Trung tá Vũ Minh Trí: Như tôi đã phản ánh trong rất nhiều văn bản, mục đích cuối cùng của tôi là giúp cho quân đội, cho Đảng, cho Nhà nước, tránh khỏi hiểm họa tự diễn biến ông ạ!
Còn nếu mà nói đơn giản thì tôi cũng như rất nhiều người nữa muốn đấu tranh chống lại tham nhũng, tiêu cực. Đơn giản thế thôi ông ạ!
Trân Văn: Cám ơn ông.
Trung tá Vũ Minh Trí: Tôi nghĩ thế này ông ạ, tôi chỉ lưu ý ông một điều rằng, tất cả các văn bản của tôi thì các ông nên xác định rõ là có đúng của tôi không thì hẳn trích. Chứ sợ rằng trích một văn bản mà giả mạo hay không chính xác thì ảnh hưởng đến uy tín của chính người trích. Bởi vì thực ra tôi cũng có trả lời một vài vị có tính chất là rất gia đình. Nếu mà nó bị lạc ra ngoài thì cũng hơi khó đấy!
Thế nên tôi nghĩ rằng là ông nên xác minh lại cho nó chính xác. Thế thôi ông ạ!
Trân Văn: Dạ vâng. Cám ơn ông đã lưu ý.
Trung tá Vũ Minh Trí: Chào ông. Cám ơn ông.
Trên Internet hiện đang có một văn bản ghi bốn ý kiến mà Trung tá Vũ Minh Trí phát biểu sau khi nhận các quyết định kỷ luật. Trong đó, có ý kiến cho rằng, đến nay, các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước chưa có kết luận về thư Trung tá Trí đã gửi, nên ông xem mọi kết luận, quyết định đối với ông của Thưởng vụ Đảng ủy quân sự Trung ương và Bộ quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy Tổng cục 2, Tổng cục trưởng Tổng cục 2 đều là vô giá trị và bất hợp pháp. Trung tá Vũ Minh Trí hy vọng những quyết định vô giá trị và bất hợp pháp ấy sẽ sớm bị bác bỏ.
Liệu những sai phạm đã và đang xảy ra tại Tổng cục 2 sẽ được Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN xem xét trong kỳ đại hội sắp tới, như mong ước của nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít người đã qua đời? Chưa ai có thể trả lời câu hỏi này song với lối xử lý như vừa qua, câu chuyện về Tổng cục 2 chắc chắn chưa thể kết thúc.
Đọc xong bài nầy thấy có vẻ như tài liệu rất chính xác, nhưng vào thời điểm nhạy cảm nầy, đây có thể là hỏa mù được tung ra vì những mục đích chính trị.
cám ơn bạn đã chỉ link
Trả lờiXóacó 1 cách post link vô nhận xét trên blog của tôi,
bạn có thể nghiên cứu xem post như thế nào? khi dẩn link vô blog của mình, bạn mở ra edite bài viết
coppy code ra xem , nó như bài viết của tôi trên blog
Post link vô nhận xét
Trả lờiXóa