Vũ Ngọc Tiến
Sau khi bài viết “Bauxite Tây Nguyên đôi lời thưa lại” công bố, mỗi ngày tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hoặc Email gửi đến đến ủng hộ. Nhiều bạn bè trong giới chuyên môn địa chất, địa vật lý, khai khoáng, tuyển quặng… còn góp ý, bổ khuyết kiến thức cho tôi vì đã 19 năm tôi bỏ nghề đi viết văn, làm báo, không tránh khỏi vài sai sót. Lại có những bạn văn gọi đến nhắc nhở rằng, hình như văn phong tranh luận của VNT lần này quá dữ dội, không đúng với phong cách điềm đạm, lịch sự trước đây. Về điểm này, anh Nguyễn Trí Huân và Ban thư ký báo Văn nghệ nên hiểu tôi viết trong tâm thế phản ứng gay gắt thay cho cả một tập thể mấy ngàn trí thức, văn nghệ sĩ bị ông LTT xúc phạm. Lẽ ra tôi đã hồi âm, bày tỏ lòng biết ơn đến bạn đọc, nhưng vì muốn đợi bài phản hồi của ông LTT hay BBT báo Văn nghệ ở số báo 45 (7/11/2009). Sáng nay báo ra, không thấy hồi âm. Theo yêu cầu của bạn đọc, tôi tự trả lời những câu hỏi đặt ra lần trước cho ông LTT để bạn đọc hiểu sâu thêm bản chât vấn đề cần tranh luận.
Bức tranh toàn cảnh về tài nguyên đất nước
Trước khi tự trả lời những câu hỏi về Bauxite, tôi thấy cần phác qua vài nét về tài nguyên khoáng sản nước nhà. Theo hiểu biết của tôi, trên bản đồ sinh khoáng thế giới, Việt Nam nằm ở nơi giao nhau giữa vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương và vành đai sinh khoáng Địa Trung Hải. Vì vậy khoáng sản nước ta phong phú, đa dạng về chủng loại, nhưng đa phần là mỏ nhỏ, đặc biệt nhỏ là vàng và kim loại màu thuộc tổ hợp sulfua đa kim. Từ ngày đổi mới, các mỏ nhỏ được giao cho địa phương quản lý đã xảy ra tình trạng hỗn loạn trong khai thác vàng, gây tổn thất tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tội phạm hoành hành. Với các mỏ nhỏ thuộc nhóm sulfua đa kim hoặc Titan ven biển cũng vậy, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc đang ồ ạt khai thác, bán quặng thô chủ yếu cho Trung Quốc. Đã đến lúc Chính phủ cần xiết chặt quản lý, có kế hoạch dừng khai thác một số mỏ quặng kim loại màu quan trọng, làm của để dành cho đời sau.
Trước khi tự trả lời những câu hỏi về Bauxite, tôi thấy cần phác qua vài nét về tài nguyên khoáng sản nước nhà. Theo hiểu biết của tôi, trên bản đồ sinh khoáng thế giới, Việt Nam nằm ở nơi giao nhau giữa vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương và vành đai sinh khoáng Địa Trung Hải. Vì vậy khoáng sản nước ta phong phú, đa dạng về chủng loại, nhưng đa phần là mỏ nhỏ, đặc biệt nhỏ là vàng và kim loại màu thuộc tổ hợp sulfua đa kim. Từ ngày đổi mới, các mỏ nhỏ được giao cho địa phương quản lý đã xảy ra tình trạng hỗn loạn trong khai thác vàng, gây tổn thất tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tội phạm hoành hành. Với các mỏ nhỏ thuộc nhóm sulfua đa kim hoặc Titan ven biển cũng vậy, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc đang ồ ạt khai thác, bán quặng thô chủ yếu cho Trung Quốc. Đã đến lúc Chính phủ cần xiết chặt quản lý, có kế hoạch dừng khai thác một số mỏ quặng kim loại màu quan trọng, làm của để dành cho đời sau.
Có 4 loại mỏ lớn, giá trị kinh tế cao, được thế giới quan tâm thì tình hình không mấy khả quan: Các mỏ Bauxite tôi sẽ nói kỹ ở phần sau. Dầu khí ở thềm lục địa phía Nam triển vọng không lớn như hồi đầu mới giải phóng miền Nam có người ảo tưởng ví những mỏ dầu lớn của thế giới so với thềm lục địa Nam Việt Nam chỉ như “con tem dán trên lưng con voi”! Thực tế ta mới chỉ khai thác chủ yếu ở mỏ Bạch Hổ, chiếm 70% sản lượng cả nước và đang có dấu hiệu cạn kiệt. Các mỏ dầu khác trữ lượng còn đang phải tiếp tục nghiên cứu, khai thác cầm chừng mà thôi. Sau dầu khí, than là lĩnh vực khai thác mỏ có tầm quan trọng với quốc kế dân sinh, nhưng vùng than Quảng Ninh đang có dấu hiệu suy kiệt. Các mỏ than khai thác lộ thiên như Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu mới thực sự có lãi, chiếm phần lớn sản lượng khai thác hàng năm thì đang xuống quá sâu dưới mực nước biển nên lợi nhuận giảm, môi trường bị tác động nghiêm trọng. Các mỏ khai thác hầm lò từ Mạo Khê, Uông Bí đến Mông Dương đa phần là lỗ, công nghệ cực kỳ lạc hậu, tai nạn lao động xảy ra thường xuyên. Gần đây rộ lên vấn đề khai thác than nâu ở đồng bằng sông Hồng, với trữ lượng 210 tỷ tấn. Ngoại trừ những quan ngại về môi trường ra, con số 210 tỷ tấn còn là dấu hỏi lớn về độ tin cậy (?!). Trong các năm 1985 – 1987, tôi là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu liên kết các vỉa than nâu đồng bằng sông Hồng” do tôi đề xuất từ việc nghiên cứu bức tranh sóng phản xạ nhiều lần khi ta thăm dò địa chấn dầu khí nên hiểu rất rõ vấn đề này, hẹn một dịp khác sẽ trình bày kỹ hơn. Cuối cùng là các mỏ sắt, có thể chia hai loại quặng Li-mô-nit và Ma-nhê-tit. Quặng Li-mô-nit chủ yếu là mỏ nhỏ, nhưng công nghệ luyện kim đơn giản nên dùng cung cấp cho khu gang thép Thái Nguyên trước đây là phù hợp với quy mô nhà máy và trình độ công nghệ nước ta. Giờ đây, Tập đoàn Thép chỉ ham nhập phôi thép về chế biến kiếm lời nhanh, thả nổi các mỏ quặng Li-mô-nit cho tư nhân khai thác bừa bãi, bán sang Trung Quốc. Quặng Ma-nhê-tit ta có hai mỏ lớn ở Hà Tĩnh và Cao Bằng, nhưng đòi hỏi công nghệ luyện kim tiên tiến, hiện đang có dự án liên doanh với nước ngoài ở Thạch Khê (Hà Tĩnh) vẫn còn nhiều điều phải quan ngại, còn mỏ Nà Dụa (Cao Bằng) nên chăng cũng giữ lại làm của để dành cho thế hệ mai sau?
Bức tranh toàn cảnh về tài nguyên đất nước là như vậy. Xét trong cơ cấu sản phẩm quốc nội, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2007, ngành khai thác mỏ (khoáng sản rắn) chỉ chiếm 4,9%, ngành công nghiệp chế biến (dệt may, da giày, hải sản, café, hồ tiêu…) chiếm 24,5%, dầu khí và các ngành kinh tế khác (xây dựng, giao thông, du lịch, dịch vụ…) chiếm 70,6%. Điều này chứng minh rằng, dù ta giảm sản lượng khai thác than và ngừng khai thác một số mỏ kim loại màu quan trọng sẽ không ảnh hưởng gì đến tốc độ tăng trưởng GDP, nếu ta giữ được sản lượng khai thác dầu khí và tập trung nguồn lực phát triển mạnh công nghệ chế biến, du lịch. Đến đây đã hé lộ một định hướng phát triển kinh tế Tây Nguyên không cần đến Bauxite mà tôi sẽ lần lượt tự trả lời các câu hỏi đã đặt ra cho ông LTT vì hợp tác với Trung Quốc khai thác Bauxite lợi bất cập hại.
Đánh giá thế nào về công nghệ Bauxite của Trung Quốc?
Gần đây, trên mạng bauxitevn.net công bố bài viết “ABC về khai thác Bauxite và sản xuất alumin” của Đinh Xuân Hùng (xem đây). Tác giả có lẽ là một chuyên gia sâu trong nghề, đã có thiện ý cung cấp cho bạn đọc kiến thức sơ đẳng về Bauxite và sơ đồ nguyên lý công nghệ Bayer. Đó là những thông tin quý, sách nào cũng viết thế, nhưng tôi thiết nghĩ mỗi quốc gia hay mỗi tập đoàn nhôm đều có bí quyết riêng ứng xử với quy trình Bayer và đó mới đích thực là công nghệ của họ.
Nhiều chuyên gia trong nước cho rằng Trung Quốc không có công nghệ nguồn, phải nhập công nghệ của nước ngoài nên đang lạc hậu, chỉ xếp vào công nghệ hạng hai trên thế giới về lĩnh vực nhôm. Nghe nói vừa qua ta tổ chức một đoàn cán bộ cao cấp đi tham khảo kinh nghiệm ở Brazil, có quặng Bauxite cùng loại như ở Tây Nguyên. Chính các thành viên trong đoàn đã có dịp mắt thấy tai nghe và phát hiện ra có rất nhiều bí quyết công nghệ mà chúng ta chưa biết hoặc không nghĩ tới. Công nghệ Trung Quốc mang sang ta lộ rõ nhược điểm tiêu hao vật tư, năng lượng lớn nên chi phí sản xuất cao hơn Brazil (?!). Hơn nữa, tổn hao tài nguyên trong dây chuyền của họ rất lớn. Theo tính toán của TS Nguyễn Thanh Sơn thì tổn hao sau tuyển rửa là 37%, còn nếu tính cả khâu tuyển tinh là cỡ 50%. Họ đang cho đóng cửa hàng trăm nhà máy sản xuất alumin, phải chăng một phần vì ô nhiễm môi trường, một phần khác vì họ muốn đổi mới công nghệ nên mang đống thiết bị cũ tân trang lại rồi chở sang ta? Bài học về nhập thiết bị xi măng lò đứng vào những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước chẳng đã cho ta nếm mùi cay đắng, thất bại ê chề đó sao?
Vì sao Võ Đại tướng nhắc lại lời khuyên của khối SEV?
Sau chiến tranh, ta nợ đầm đìa khối SEV, suốt 10 năm liền chỉ có thế xuất sang họ nông sản, khoáng sản, đồ thủ công mỹ nghệ để trừ nợ dần. Nếu khai thác Bauxite Tây Nguyên có lãi lớn thì Liên Xô hoặc Hung-ga-ri đã nhảy vào ngay rồi, đâu có đến lượt người Trung Quốc! Lý do khối SEV đưa ra là rất thuyết phục vì hai lẽ:
Thứ nhất, quặng Bauxite Tây Nguyên chất lượng thấp, phải qua tuyển rửa hay còn gọi là tuyển thô, trước khi đưa vào tuyển tinh theo quy trình Bayer nên hao tốn nguồn nước vốn đã khan hiếm ở Tây Nguyên và ô nhiễm môi trường vì thành phần xút (NaOH) tồn dư trong bùn đỏ.
Thứ hai, quặng nằm xa bờ biển nên phí vận chuyển đội giá thành lên cao, không có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Vấn đề phí vận chuyển đã quá rõ, tôi không phân tích thêm. Ở đây có vấn đề tế nhị về chất lượng quặng. Bạn bè trong giới chuyên môn nói rằng tôi đã sai khi đưa ra hàm lượng alumin trong quặng chỉ đạt 9-11% theo lời ông chuyên gia họ Lỗ người Trung Quốc. Thật ra tôi biết rất rõ hàm lượng TKV công bố là 35-39%. Tôi còn biết TKV đã mời Tập đoàn Alcoa của Úc sang Việt Nam lấy mẫu của mỏ Gia Nghĩa về phân tích tại phòng thí nghiệm của họ, kết quả đạt 40,3%. Tôi không tin người Trung Quốc vì có thể họ tung hỏa mù về hàm lượng là có ý đồ sâu xa. Song tôi cũng hồ nghi kết quả phân tích của TKV vì nhiều lý do. Bauxite Tây Nguyên có nguồn gốc phong hóa, thuộc thành tạo La-tê-rit, tuổi Kai-nô-zôi – Nhân sinh, do đó trong cùng một thân quặng, nhưng hàm lượng thay đổi vô cùng phức tạp theo bình diện và theo chiều sâu. Việc lấy mẫu phải đảm bảo phân bố đều theo không gian 3 chiều, mật độ đủ dày, số lượng đủ lớn để đáp ứng yêu cầu của bài toán xác suất và độ dung sai phải nhỏ hơn hoặc bằng 3 lần độ lệch quân phương. Đó là quy tắc “3 xích-ma” phổ biến trong xử lý số liệu ngành địa chất và khai khoáng. Tôi có những lý do để chưa yên tâm TKV làm được như vậy. Còn kết quả phân tích của Tập đoàn Alcoa cũng đáng nghi ngờ bởi ta mất công mời họ sang Việt Nam lấy mẫu, sao không bố trí cho họ đi mỏ Gia Nghĩa, trực tiếp lấy mẫu tại thực địa theo quy trình nghiêm ngặt của họ? TKV chỉ đưa họ vào đoàn địa chất 5 ở Quy Nhơn nhận mẫu trong kho, liệu có khách quan, trung thực hay đã cố tình tập trung các mẫu chất lượng tốt nhất rồi cho họ chọn lấy lệ? Với mối hoài nghi đó, tôi đưa ra hàm lượng như lời ông Lỗ để thăm dò phản ứng của TKV và cảnh tỉnh dư luận. Cần nhấn mạnh, vấn đề hàm lượng quặng vô cùng quan trọng, nếu sai số lớn thì mọi thông số kỹ thuật và kinh tế trong luận chứng trở thành vô nghĩa. Từ thực tế trên, tôi càng kính phục Võ Đại tướng, ủng hộ quan điểm của khối SEV, chưa nên khai thác Bauxite, tận dụng thế mạnh của Tây Nguyên là đất đỏ Bazal để tập trung phát triển cây cao su, chè, café, điều… là hợp lý nhất. Hãy để dành Bauxite Tây Nguyên cho đời sau. Khoáng sản là thứ tài nguyên chỉ vơi cạn đi chứ không tái tạo được. Dân gian có câu: “Cơm không ăn thì gạo còn đó”!…
Sao không thí nghiệm lập nhà máy ở Lạng Sơn hay Cao Bằng?
Tôi đồng ý với các nhà chuyên môn ở TKV rằng, quặng Bauxite ở Lạng Sơn, Cao Bằng thuộc dạng diaspore nên trong quá trình tinh luyện đòi hỏi nhiệt độ cao (tới 250 độ C), tiêu tốn năng lượng hơn khi tinh luyện quặng thuộc dạng gibbsite ở Tây Nguyên. Nhưng nhược điểm này lại được bù đắp bởi nhiều nhân tố thuận lợi khác. Theo lời chuyên gia Hung-ga-ri nói với tôi, Bauxite ở đây có hàm lượng alumin khá cao, ít sét, môdul silic (Al2O3/Silic) đủ cho phép đưa thẳng quặng vào tinh tuyển alumin, không cần qua giai đoạn tuyển rửa nên giảm thiểu được ô nhiễm môi trường do bùn đỏ gây ra. Hung-ga-ri có ngành công nghệ luyện nhôm lâu đời hàng trăm năm, có công nghệ nguồn khá tiên tiến, hơn hẳn Trung Quốc phải nhập công nghệ của nước ngoài. Từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, họ đã giúp đoàn địa chất 49 thăm dò tỉ mỉ các mỏ ở Lạng Sơn, Cao Bằng. Quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Âu thuộc khối SEV cũ đang có nhiều triển vọng tốt đẹp. Nếu ta thật lòng muốn gây dựng nền móng cho ngành công nghiệp luyện nhôm sau này của đất nước thì theo tôi, tốt nhất hãy hợp tác với Hung-ga-ri lập một nhà máy công suất 300-500 ngàn tấn/năm. Trong chiến lược phát triển, nhu cầu nhôm cho công nghiệp và tiêu dùng ở ta không lớn, muốn xuất khẩu e trình độ của ta chưa đủ tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh. Vì vậy, với sản lượng trên và với trữ lượng 91 triệu tấn ở Cao Bằng, Lạng Sơn đủ cho ta duy trì nhà máy 70-100 năm. Khi ấy tiềm lực về kinh tế và công nghệ của đất nước đã mạnh lên, con cháu ta đã có kinh nghiệm, muốn quay lại Tây Nguyên khai thác Bauxite vẫn chưa muộn và hãy tin rằng lúc đó con cháu ta đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với các đại gia ngành luyện nhôm trên thế giới, “con hơn cha là nhà có phúc” là thế…
Công nghệ Trung Quốc có an toàn môi trường cho Tây Nguyên?
Tôi xin trả lời ngay rằng KHÔNG! Bùn đỏ sau tuyển rửa là vấn đề dư luận quan tâm, lo ngại. Xử lý vấn đề này có hai “công nghệ khô” và “công nghệ ướt”, là hai công nghệ có quy trình hóa lý rất khác nhau, tôi không tiện trình bày dài dòng ở đây. Chỉ biết khái niệm ướt ở đây gắn với NaOH chứ không gắn với nước thông thường nên ông LTT biện hộ cho TKV bằng chu trình hoàn lưu nước khi tuyển rửa là chuyện nực cười! Bãi thải bùn đỏ theo “công nghệ khô” rất khó bị mưa lũ cuốn trôi, ít có nguy cơ bị vỡ đập và bản thân ít độc hại. Bãi thải bùn đỏ theo “công nghệ ướt” dễ bị mưa lũ cuốn trôi kể cả khi đã tháo khô, tiềm ẩn khả năng vỡ đập rất lớn vì phải chịu áp lực thủy tĩnh và bản thân rất độc hại, nhất là khi nó chưa được tháo khô. Trung Quốc không đủ trình độ áp dụng “công nghệ khô”, đưa vào Tây nguyên “công nghệ ướt” là rất đáng lo ngại về hiểm họa môi trường.
Hoàn vốn đầu tư sau 10 năm có là bánh vẽ?
Chẳng hiểu TKV báo cáo lên Chính phủ và Quốc hội đã phù phép thế nào mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải gần đây yên tâm tuyên bố, khi đi vào họat động, lãi ròng ở nhà máy Tân Rai là 12,45%/năm, còn ở Nhân Cơ là 10,59%/năm. Có lẽ vì thế mới xuất hiện khái niệm “10 năm hoàn vốn”, chứ không còn khái niệm “5 ăn 5 thua” như ông cựu Chủ tịch TKV từng tuyên bố trước đây. Thật ra, khi tổng hợp các thông số từ TKV, kết hợp với cập nhật thông tin thị trường và thông tin từ các cơ sở sản xuất alumin trên thế giới, các chuyên gia trong nước, chuyên gia người Việt ở hải ngoại đều tính toán trùng hợp ra hai khả năng: một là nếu công nghệ Trung Quốc khá tốt sẽ lãi 6 USD/tấn, hai là công nghệ Trung Quốc tồi sẽ lỗ 64 USD/tấn (?!). Bài toán kinh tế này khá phức tạp, nếu trình bày kỹ phải hết vài trang, ở đây tôi chỉ nêu kết quả cuối cùng. Hiệu quả kinh tế của dự án có là bánh vẽ hay không tự người trong cuộc rút ra kết luận.
Triển vọng hợp tác với Căm-pu-chia hay cái bẫy của Trung Quốc?
Trung Quốc đã mua đứt 99 năm một phần lãnh thổ Căm-pu-chia có quặng Bauxite, tiếp giáp với tỉnh Đăk Nông là một sự thật. Con đường sắt nối Lâm Đồng xuống Bình Thuận ra cảng Kê Gà còn ở thì tương lai xa vời, chưa kể vốn đầu tư lớn và hiệu suất sử dụng thấp cũng là sự thật hiển nhiên. Một số chuyên gia lo ngại vì TKV chủ động hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm alumin để tạo điều kiện cho Trung Quốc dễ dàng thắng thầu giá rẻ bằng công nghệ lạc hậu liệu có là sự thật thứ ba? Ở đây cần nói rõ thêm về độ vênh giữa con số 83,6% của tôi và 98,6% của TS Nguyễn Thanh Sơn. Trong trường hợp này có lẽ tôi sai vì khi nói chuyện với 2 ông bạn Trung Quốc người Liêu Ninh thì ông Lỗ nói tiếng phổ thông rất chuẩn nên tôi nghe rõ hàm lượng quặng, còn ông Vương nói tiếng phổ thông rất nặng, tôi chỉ nghe rõ được mấy âm tiết cuối cùng là phẩy sáu (tẻn liêu), các âm tiết ở trên không tách biệt được là 83 (pa sứ san) hay 98 (chiểu sứ pa). Vì vậy, tôi thừa nhận con số 98,6% về chỉ tiêu sản phẩm, đồng thời cám ơn TS Nguyễn Thanh Sơn và thành thật xin lỗi bạn đọc. Song vẫn còn một sự thật nữa là 1,2% tạp chất còn lại trong sản phẩm alumin kia thành phần vô cùng phức tạp, quyết định khả năng tiêu thụ và giá bán trên các thị trường thì thỏa thuận giữa TKV với Trung Quốc lại rất mập mờ. Tất cả những sự thật phơi bày ra như tôi vừa nêu, sẽ dồn ta vào thế bí chỉ có thể bán sản phẩm cho Trung Quốc qua con đường Căm-pu-chia. Họ cho ta giá nào được giá đó và khi họ trở mặt thì ta chỉ còn nước đắp chiếu dây chuyền và sản phẩm! Đây phải chăng là cái bẫy, dưới vỏ bọc ngọt ngào “hợp tác quốc tế với nước bạn Căm-pu-chia” mà ông LTT hết lời ca tụng?!…
Lời kết
Vấn đề Bauxite có viết cả trăm trang vẫn không hết. Tôi cố gắng viết sao cho ôn hòa, cô đọng, dễ hiểu nhất để bạn văn và độc giả cả nước đồng cảm với những người phản biện. Bài viết đồng thời gửi đến 2 trang Web đường hoàng, chính trực của giới trí thức (www.bauxitevn.info & www.viet-studies.info ) mà tôi tin tưởng, gửi đăng bài kỳ trước và cũng gửi đến báo Văn nghệ với hy vọng theo thông lệ của nghề báo và tinh thần cầu thị, quý báo sẽ đăng toàn văn trong số 46 (14/11/2009) sắp tới. Là người trong văn giới, các anh chị có nhớ câu thơ của Vích-to Huy-gô, khi ông bị lưu đày ngoài đảo: “Ôi, nhân dân tôi sẽ không mãi bị lừa mỵ, khi mắt của người đăm đăm, ngẩng đầu trên mũi đá linh thiêng và suy nghĩ đợi giờ nổi sóng triều dâng…”
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn bạn đọc xa gần, nhất là các chuyên gia đã cung cấp tư liệu, bổ khuyết thiếu hụt về kiến thức cho tôi hoàn thành bài viết này!
Hà Nội 6/11/2009
VNT
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét