Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Bác Sĩ riêng của Mao (tiếp theo)




Phần một : Cái chết của Mao
Chương 1
- Chủ tịch gọi tôi phải không ạ?
Mao cố gắng mở mắt và mấp máy đôi môi, nhưng không nổi. Chiếc mặt nạ ôxy trượt ra khỏi mặt và ông lại bị ngạt. Tôi ghé sát ông, nhưng chỉ có thể nghe thấy những âm thanh khò khè, đùng đục. Ông vẫn còn tỉnh, nhưng hầu như không thể nói được gì nữa.
Trong những năm ấy, tôi là bác sĩ riêng của lãnh tụ, lãnh đạo mười sáu bác sĩ tốt nhất Trung quốc và hai chục hộ lý dày dạn kinh nghiệm. Chúng tôi được trao nhiệm vụ cứu sống Mao.
Ngày 26 tháng sáu năm 1976 Mao lại bị nhồi máu cơ tim lần thứ hai, và từ lúc ấy chúng tôi không rời Mao nửa bước. Quanh giường ông luôn túc trực ba bác sĩ và tám hộ lý. Chưa kể tới hai bác sĩ tim mạch luôn theo dõi cẩn thận điện tâm đồ của ông. Đội ngũ bác sĩ thay phiên nhau trực tám tiếng, nhưng tất cả công việc nặng nề hơn thì tôi phải gánh. Phòng làm việc của tôi là buồng xép chật chội, cạnh phòng điều trị của Chủ tịch, tôi ngủ không quá ba, bốn tiếng một ngày.
Nhân dân Trung quốc hoàn toàn không biết gì về tình trạng sức khoẻ xấu của lãnh tụ kính yêu của mình. Tuy nhiên trên các ảnh trên mặt báo, thường hiếm khi in những tấm ảnh các cuộc gặp của Mao với những người lãnh đạo nước ngoài – người ta dễ nhận thấy các triệu chứng xuống mã của ông. Dù rằng báo chí Trung quốc loan tải khắp thế giới về sức khoẻ tốt của Mao, trong tấm ảnh chụp với thủ tướng Lào Cay-xỏn Phom-vi-hản vào tháng 5-1976 Chủ tịch trông lờ đờ như một ông già. Tuy thế, ngày 8 tháng 9-1976 hàng trăm triệu công dân của đất nước rộng lớn đã bắt đầu chiến dịch với khẩu hiệu Mao Chủ tịch vạn tuế
Tuy nhiên, đối với những người trải qua những đêm trong phòng bệnh của ông, thì hiểu rằng Mao Trạch Đông chỉ còn sống một vài giờ thậm chí vài phút thôi. Họ túc trực từng cặp ứng với cấp bậc và vị trí chính trị và được thay đổi 12 giờ một lần. Trong số những người này có ông phó của Mao – người thuộc phái trung dung Hoa Quốc Phong, nhà cải cách Vương Hồng Văn, và còn có cả các ủy viên Bộ chính trị – phái trung dung có Uông Đông Hưng và phái cực đoan có Trương Xuân Kiều.
Hoa Quốc Phong lãnh đạo tất cả mọi hoạt động cấp cứu Chủ tịch. Ông thành kính tôn sùng Mao, thường xuyên hỏi han sức khoẻ Mao. Lắng nghe chăm chú báo cáo của các bác sĩ, ông tin rằng người ta đã làm tất cả những gì có thể để kéo dài cuộc sống của lãnh tụ. Và khi chúng tôi đề nghị hồi sức nhân tạo cho Mao bằng các quy trình mới rất đau đớn, thì Hoa Quốc Phong là người duy nhất muốn thử ngay phương pháp này lên chính ông ta. Tôi rất quý Hoa Quốc Phong. Tính liêm khiết và sự thẳng thắn của ông quả là khá hiếm trong số những người lãnh đạo đảng dính líu đến tham nhũng và trác táng.
Lần đầu tiên tôi gặp Hoa Quốc Phong vào năm 1959, trong thời kỳ chính sách đại nhảy vọt. Khi đó tôi cùng với Mao về quê hương ông ở Thiếu Sơn tỉnh Hồ Nam. Hoa Quốc phong khi ấy là bí thư đảng ở Hướng Đan. Sau đó hai năm, chính sách đại nhảy vọt đã đẩy đất nước vào khủng hoảng kinh tế, tuy vậy chính quyền địa phương vẫn tiếp tục vẫn báo cáo lên về sự tăng trưởng sản xuất nông nghiệp và chỉ có Hoa Quốc Phong dám dũng cảm công khai nói rằng không những chỉ sức người và gia súc mà cả đất đai cũng bị kiệt cạn, và cho rằng tất cả các báo cáo về tăng trưởng sản xuất là sự nói dối trắng trợn.
- Không một ai, ngoài Hoa Quốc Phong, nói cho tôi tất cả sự thật – Mao nhận xét như thế.
Hoa Quốc Phong trở thành người thay thế Mao vào tháng tư năm 1976, khi ông chiến thắng trong cuộc đấu đá giành quyền lực các phe cánh khi họ biết Mao sắp qua đời.
Tháng giêng 1976 Mao bổ nhiệm Hoa Quốc Phong chức vụ quyền thủ tướng Quốc vụ viện cộng hoà nhân dân Trung hoa thay cho Chu Ân Lai đang ốm nặng, để giải quyết công việc chính phủ. Đầu tháng tư, hàng trăm nghìn người Bắc Kinh đã tụ họp nhau trên quảng trường Thiên An Môn để tưởng nhớ vị thủ tướng vừa mất Chu Ân Lai và bày tỏ sự phẫn nộ của mình bởi những hoạt động của Giang Thanh (vợ Mao) và nhóm chiến hữu Thượng Hải của bà là Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn. Cuộc biểu tình này đã bị chính quyền buộc tội phản cách mạng. Để làm vừa lòng những nhà cách mạng vây quanh vợ mình, Mao buộc tội bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình trước quần chúng.
Mao luôn luôn có xu hướng cân bằng lực lượng tả và hữu và trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp và đã phải bổ nhiệm người trợ lý của mình là Hoa Quốc Phong. Như vậy Hoa Quốc Phong không những trở thành người đứng đầu chính phủ, mà còn là người thừa kế Mao ở vị trí người đứng đầu đảng cộng sản Trung quốc. Tôi vui mừng vì điều này và xem quyết định của Chủ tịch là rất khôn ngoan. Thậm chí bản thân Giang Thanh cũng tán thành quyết định này và nói rằng cuối cùng thì lãnh tụ hành động một cách thông minh. Tuy nhiên những người cực đoan buộc tội Hoa Quốc Phong là hữu khuynh.
Do Hoa Quốc Phong vẫn bị côpng kích, ngày 30 tháng 4 năm 1976 Hoa nói với Mao rằng ông ta không thể giữ nổi vị trí do sự đả kích liên tục và nhục mạ từ phía nhóm Giang Thanh. Sau cuộc hội đàm với Chủ tịch, Hoa Quốc Phong cho tôi xem một số văn bản. Vấn đề là ở chỗ Mao nói năng rất khó khăn và ông phải nhờ người khác viết hộ. Mao viết cho Hoa Quốc Phong như sau:
Khi đồng chí ở chính quyền, tôi yên tâm. Hãy hành động với nhiệm vụ được giao. Hãy tự tin và đừng chú ý đến các điều lặt vặt.
Sau khi Mao qua đời, bằng chứng chỉ giấy trắng mực đen, tài liệu trên mở đường cho Hoa Quốc Phong trở thành người thừa kế của lãnh tụ.
Sau nửa đêm 8-9-1976, các bác sĩ lại cố gắng kích thích hoạt động tim của Mao. Nhờ đó đã tiêm được vào người Mao một chế phẩm từ nhân sâm. Do vậy áp lực máu nâng lên gần như tới mức bình thường và mạch đập ổn định chút ít, tuy nhiên tôi hiểu rõ rằng cái đó không kéo dài lâu được.
Lát sau, Hoa Quốc Phong kéo tôi lại và hỏi thầm Bác sĩ Lý, liệu chúng ta có thể làm một cái gì đó khác được không? Tôi không nói gì cả, bản thân thủ tướng hiểu rằng đó là kết thúc. Tôi không thể dũng cảm nói từ chết. Phòng bệnh lặng như tờ chỉ còn nghe tiếng máy hô hấp nhân tạo chạy ầm ì. Tôi ngước mắt nhìn Hoa Quốc Phong và nói nhỏ: Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được
Hoa Quốc Phong quay sang người đứng cạnh mình là Uông Đông Hưng, trưởng ban tổ chức Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung quốc, nói:
- Mời đồng chí Giang Thanh và các ủy viên Bộ Chính trị ở Bắc Kinh cấp tốc lại đây, và thông báo cho các ủy viên Bộ Chính trị trong nước phải về ngay thủ đô.
Uông Đông Hưng gặp Mao lần đầu tiên ở Diên An và từng hàng chục năm phụ trách an ninh cho Chủ tịch.
Sau khi Uông Đông Hưng đi khỏi, cô y tá chạy đến tôi và nói rằng Trương Ngọc Phượng thông báo ý muốn của Chủ tịch muốn gặp tôi. Trương Ngọc Phượng trước đây là người phục vụ trên đoàn tàu hỏa đặc biệt dành cho Mao đi thăm trong nước, bây giờ cô ấy vừa là thư ký riêng và vừa bạn gái tin cẩn của ông.
Lần đầu tiên tháp tùng Mao, tôi thấy cô ta ở Trường Sa trong buổi dạ hội do Mao tổ chức. Trương Ngọc Phượng lúc ấy là một cô gái mười tám tuổi, có đôi mắt to ngây thơ và làn da trắng như nõn nà. Cô đã mời Mao nhảy sau đó Mao mời cô về phòng mình, họ qua đêm ở đó. Quan hệ tình cảm của họ được hình thành có lẽ do Mao không có yếu điểm đối với phụ nữ. Thậm chí vẫn còn hai cô gái nhảy trẻ đang làm y tá phục vụ xoa bóp cho Mao, Trương Ngọc Phượng ở gần Mao lâu hơn các cô khác, mặc dù có những cử chỉ tục tằn và thói thích rượu, nhưng cô vẫn giữ được sự ưu ái của lãnh tụ.
Năm 1974, sau khi thư ký của Mao mắc bệnh ung thư phải nằm viện, thì Trương Ngọc Phượng thay vào đó. Cô ta xử lý thư tín mà hàng ngày gửi đến Chủ tịch, sau này khi thị lực Mao giảm đi, cô đọc cho ông ta một khối lượng lớn tài liệu và viết lại tốc ký lời bình và chỉ thị. Cuối năm ấy, Uông Đông Hưng chính thức tin tưởng Trương Ngọc Phượng ở cương vị thư ký riêng của Mao. Với tư cách bác sĩ riêng tôi có thể rẽ vào phòng Mao bất kỳ lúc nào, tuy nhiên tất cả các việc còn lại phải được phép của Trương Ngọc Phượng. Sau năm 1974 ngay cả Giang Thanh, vợ Chủ tịch và các ủy viên Bộ chính trị muốn vào phòng của lãnh tụ cũng phải có sự đồng ý của Trương Ngọc Phượng và buộc phải chịu đựng tính khí đỏng đảnh của cô.
Khoảng tháng sáu năm 1976, Hoa Quốc Phong đến phòng tiếp khách của Mao. Trương Ngọc Phượng đứng sau bàn đề nghị Hoa đừng phá giấc ngủ của Mao. Hai giờ đồng hồ trôi qua, Trương Ngọc Phượng cũng không đánh thức Mao vì thế thủ tướng Quốc vụ viện cộng hoà nhân dân Trung hoa và trợ lý của Chủ tịch phải ra về, không được nghe diễn giả Mao Trạch Đông. Trước đó không lâu, Đặng Tiểu Bình bị ốm cộng thêm sự đả kích của phe đối lập về tư tưởng, làm gia đình ông có sự rạn nứt. Đặng Dung, con gái út của Đặng viết cho Mao bức thư cầu khẩn lãnh tụ cho phép cô được sống gần bố mình, tuy nhiên yêu cầu này phải qua tay Trương Ngọc Phượng, và cô con gái không may ấy cũng không nhận được quyết định để có thể quay về sống với bố.
Trong những năm cuối đời, chỉ có Trương Ngọc Phượng mới nghe và hiểu được lời nói lủng củng và đày trái ngược của ông và thậm chí cô ta còn phiên dịch lời của Chủ tịch cho tôi.
Khi tôi lại gần giường của vị lãnh tụ sắp qua đời, Trương Ngọc Phượng thông báo rằng Mao hỏi còn hy vọng nào không. Mao xác nhận lời của cô ấy một cách khó khăn và từ từ chìa tay cho tôi. Tay của ông yếu lắm và mạch đập khó nhận ra, da đã xạm dần. Cái nhìn của ông không còn có sức sống như trước, chỉ còn lại sự lãnh đạm mệt mỏi của người sắp chết. Đường điện tim gần như phẳng.
Mao được thu xếp đưa vào buồng này trong toà nhà 202 ở Trung Nam Hải sáu tuần trước đó, 28 tháng sáu 1976. Trong những ngày ấy ở phía đông Trung hoa có trận động đất lớn phá huỷ hoàn toàn thành phố Đường Sơn khoảng 100 dặm cách Bắc Kinh làm chết hơn 250 nghìn người. Chính ở thủ đô, nạn nhân tuy không nhiều, nhưng cũng bị phá huỷ đáng kể và hàng triệu người được cứu khỏi đống gạch vụn đã phải ở trong lều tự làm trên phố. Trong dinh thự của Mao cũng bị đổ vỡ nhiều vì thế chúng tôi buộc phải chở ông vào chỗ an toàn hơn.
Toà nhà mang số 202, nơi lãnh tụ nằm, nối liền với toà nhà chính bằng một hành lang. Toà nhà được xây dựng đặc biệt cho Mao vào năm 1974 và có thể tránh được chấn động mạnh. Buổi chiều hôm chuyển đi, có một trận chấn động mạnh và chúng tôi bị xô đẩy lần thứ hai. Nhưng may mắn chúng tôi đã nằm ở chỗ chắc chắn. Bầu trời dường như nổ tung, nhưng tôi chẳng sợ gì cả – tôi cần phải cứu cuộc sống Mao Chủ tịch.
Hoa Quốc Phong, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Uông Đông Hưng đến sát giường lãnh tụ. Sau tấm bình phong tôi nghe thấy cả từng bước chân – ca trực đêm của bác sĩ và hộ lý đang chuẩn bị. Tôi kiểm tra mạch, đứng bên cạnh là 4 ủy viên Bộ Chính trị. Bất ngờ Giang Thanh giận dữ bước vào phòng và gào lên:
- Ai là người sẽ nói cho tôi biết cái gì xảy ra ở đây?
Giang Thanh là người vợ thứ tư của Mao, nếu tính cả lần ông tảo hôn do thúc giục của gia đình. Tuy nhiên về việc đó Mao không thích kể lại.
Mao cưới Giang Thanh ở Diên An năm 1938. Người ta kể cho tôi rằng ở đó bà ta cũng chẳng có gì đặc biệt khác mọi người. Nhưng sau 1949 vai trò thụ động của vợ lãnh tụ vĩ đại làm Giang Thanh buồn bực, bà ta hay cáu kỉnh và thất thường. Chỉ trong những năm Cách mạng văn hoá bà ta mới được xuất hiện và thành ủy viên Bộ Chính trị, bà ta tàn nhẫn với tất cả những ai cản bà.
Mỗi người sống theo cách riêng của mình, tuy nhiên Mao không có ý định ly dị Giang Thanh, nếu làm thế thì ông không tránh khỏi phải cưới một trong số người tình nhõng nhẽo của mình.
Trong những năm Cách mạng văn hoá Giang Thanh chuyển đến ở một biệt thự lớn ở Bắc Đới Hà, nơi khách cao cấp nước ngoài nghỉ chân. Sau cơn đau tim của Mao, bà trở lại Trung Nam Hải.
Bà ta không dễ dàng chấp nhận ảnh hưởng của Trương Ngọc Phượng đối với Mao, nhưng cuối cùng bà biết sự tiện lợi của người phiên dịch phục vụ cho ông chồng ốm đau của mình. Căn bệnh nặng và sự sắp qua đời của Mao là đòn nặng với Giang Thanh. Bà lo rằng quyền lực của bà sẽ biến theo gót chân ông, và cũng trong thời gian ấy trong tâm khảm bà nuôi niềm hy vọng thay chỗ ông.
Hoa Quốc Phong cố an ủi bà:
- Đồng chí Giang Thanh – Hoa lịch sự nói – Chủ tịch bây giờ đang nói chuyện với bác sĩ Lý.
Tôi xoa dịu Mao, mặc dù trạng thái của ông thật vô vọng. Ông bắt đầu xuống sức từ năm 1971, chấn động bởi sự phản bội của Lâm Bưu, một người bạn cũ, một người phó duy nhất và là người thừa kế, sau âm mưu đảo chính bất thành ông cùng vợ và con trai quyết định bay sang Liên-xô. Tuy nhiên máy bay rớt trên vùng Un-đê-khan (Mông Cổ). Tổ lái và gia đình Lâm Bưu đã chết. Sự việc tác động mạnh đến Mao. Ông bị suy sụp, các cơn mất ngủ giày vò dẫn ông đến bệnh tật.
Cuộc viếng thăm Trung quốc của tổng thống Mỹ R. Nixon đã đến gần. Dù bệnh nặng Mao liên tục từ chối bác sĩ chăm sóc. Chỉ ba tuần lễ trước khi tổng thống Mỹ tới, Chủ tịch cuối cùng mới chịu chữa bệnh. Thể trạng của ông xấu trầm trọng cả về thể lực lẫn nói năng. Quá trình chạy chữa lại vấp phải bệnh tim. Để tiếp R. Nixon tại dinh, Mao cần tôi. Tôi dẫn tổng thống Mỹ vào phòng Mao, bản thân tôi đứng sau cánh cửa phòng tiếp khách chuẩn bị bất kỳ lúc nào cũng phải thuốc thang ngay cho lãnh tụ.
Cơ thể ông già 73 tuổi đã xuất hiện nhiều bệnh. Nhiều năm nghiện thuốc lá đã phá hỏng lá phổi ông. Lại còn thêm vài năm Mao bị bệnh viêm phế quản dày vò. Các lá phổi bị xơ cứng mất tính đàn hồi, Mao thở khó khăn và bị ho mạnh. Phổi trái thực tế không làm việc, nên để thở và nói bình thường Mao chỉ có thể nằm nghiêng sang trái. Tôi thường phải sử dụng túi oxigen, còn trong trường hợp rất nặng thì phải dùng máy hô hấp nhân tạo của Mỹ do Henri Kit-sinh-giơ gửi sang sau chuyến thăm bí mật Trung hoa năm 1971.
Nhiều chuyên gia y tế nước ngoài cho rằng Mao mắc bệnh parkingson. Tuy nhiên năm 1974 các bác sĩ Trung quốc phát hiện ra rằng đó là chuẩn đoán sai và ông có căn bệnh nan y ảnh hưởng mạnh đến não làm tê liệt từng bộ phận cơ thể. ít nhất thì sự phát triển của bệnh làm ông mất khả năng nói và nuốt cho nên phải bơm thức ăn qua đường mũi. Cơ bắp làm việc uể oải và thở rất khó khăn. Cơ thể liên tiếp bị viêm nhiễm nhẹ. Do thiếu thuốc công hiệu chạy chữa, người bệnh chết một vài năm sau khi chuẩn đoán.
Bệnh tình của Mao phát triển như các chuyên gia dự đoán. Nhưng ở thời điểm nói trên căn bệnh quái ác này ảnh hưởng xấu tới tim. Cơn đau tim đầu tiên của Mao vào tháng 5-1976. Điều này xảy ra khi cãi nhau với Trương Ngọc Phượng. Cơn tiếp theo vào ngày 26 tháng sáu, cơn thứ ba – 2 tháng 9. Tất cả bác sĩ hiểu rằng cái chết rất gần nhưng để nói ra được điều này, đòi hỏi có lòng vô cùng dũng cảm. Tuy thế cơ thể của lãnh tụ vẫn chưa chịu đầu hàng.
- Mọi thứ bình thường, thưa Chủ tịch – tôi nói, nắm tay ông trong tay mình – chúng tôi có thể giúp đỡ ông.
Trong khoảnh khắc, mắt Mao xuất hiện một tia hy vọng. Tôi thậm chí còn cho rằng má hơi hồng lên chút ít. Mắt ông nhắm lại, bàn tay phải không còn sự sống nữa và tuột khỏi tay tôi. Đường điện tim phẳng lỳ. Tôi liếc đồng hồ, lúc 0 giờ 10 phút. Bắt đầu một ngày mới – 9 tháng 9 năm 1976.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét