Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

Sao thương trường lại là chiến trường?


Không biết câu khẳng định thương trường là chiến trường lọt vào thành câu cửa miệng của doanh nhân và cả một số những nhà chính trị của ta từ bao giờ. Nhưng chắc chắn cái gốc của nó xuất phát từ Phim Trung Quốc. Không biết có phải do thói quen học mót không mà câu nói  trong phim đó đã  trở thành thời thượng cho một số người khi nói đến nền kinh tế thị trường ở ta. Cho đến bây giờ, đi đâu cũng thấy nguời ta nói đến “ thương trường là chiến trường” như một phát hiện mới mẻ. Thật thảm hại cho cái phông văn hóa phập phè như áo giấy của mấy vị như thế mà tập tọng làm kinh tế, chỉ một cơn gió nhẹ nó đã bị chao đảo như đồ hàng mã.

Tôi không phải người cố chấp, nhưng thấy câu nói đó thật sự phản cảm. Có thể việc ấy khá đúng với người Trung Quốc. ở góc độ cạnh tranh. Họ đã từng nói đến chuyện kinh tế đi đến đâu thì có quân đội đi theo để bảo vệ. Kể cũng khiếp cho một triết lí kinh tế thị trường của họ.

Với người Nam ta thì sao?. Cha ông ta đã có câu: “buôn có bạn, bán có phường”, một triết lí mềm dẻo, lấy sự kết nối làm sức mạnh. Kinh tế thị trường không phải mua tranh bán cướp. Ở đây đã thấy cái đạo lý kinh doanh của ta khác hẳn. Nó nhân ái dựa trên một nền tảng đạo đức của cộng đồng. Đó là nét văn hóa đặc biệt về thương trường của ta. Mà tôi nghĩ đó là cái gốc của đạo lí kinh doanh có căn cơ để bền lâu. Còn chiến trường ư? Đó là triết lí của kẻ mạnh, chỉ biết mình. Trong câu nói đã hàm chứa sự vô đạo, sẵn sàng chôn sống kẻ cạnh tranh của minh để tiến lên. Vậy có đáng thành câu cửa miệng và thành định hướng cho các nhà kinh doanh của chúng ta?

Lời nói đọi máu, cha ông ta đã dạy thế, cất lời phải thận trọng;
Nếu khẳng định thương trường là chiến trường thì người ta băm chém nhau để mưu lợi. Ở thế giới ấy, kẻ mạnh lấy thế lực đè người, lấy “súng ống” làm phương châm giải quyết. Sẽ sa vào sự cướp bóc vô đạo. Hình như trong kinh doanh ở ta  đang có việc đó xảy ra ở nhiều ngành, xin miễn dẫn chứng.

Còn nếu xác định buôn có bạn, bán có phường thì thương trường phải biết lưu chứa sự nhân hòa, cho phát triển bền vững. Các nhà nghiên cứu kinh tế chắc hiểu điều này hơn tôi
Còn tôi, tôi vẫn chắc một điều là cha ông mình nói không sai.
16/10/2009.

http://dongngandoduc.multiply.com/journal/item/166?mark_read=dongngandoduc:journal:166#replyform

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét